Hàn Quốc thông qua ba kế hoạch quốc phòng lớn, trong đó có phát triển hệ thống tên lửa tầm xa, nhằm tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên.
Tên lửa Spike do Israel sản xuất xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Seoul kỷ niệm 65 năm thành lập các lực lượng vũ trang Hàn Quốc tháng 10/2013. Ảnh: AP. |
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Seoul sẽ phát triển và triển khai các tên lửa không điều khiển có thể lắp vào hệ thống phóng đa nòng 230 mm mới (MRLS) tự chế tạo để đối phó với mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên, Yonhap dẫn thông báo từ Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Hàn Quốc (DAPA) ngày 16/11 cho biết.
"Nếu được triển khai và phóng đi, tên lửa không điều khiển có thể tàn phá đáng kể các mục tiêu sâu trong lãnh thổ địch", Kim Si-cheol, người phát ngôn DAPA, nói. Một tên lửa đủ khả năng phá hủy diện tích to bằng ba sân bóng.
Hàn Quốc còn chi khoảng 18,4 tỷ won (16 triệu USD) trong 27 tháng, đến cuối năm 2019, để phát triển thế hệ tàu hộ tống Batch III tiếp theo. Loại tàu chiến này là sự tiếp nối của hai lớp tàu Daegu và Incheon biên chế trong hải quân nhưng sẽ lớn hơn, năng lực mạnh hơn. DAPA dự kiến ký hợp đồng với công ty đóng tàu Huyndai Heavy Industry vào tháng 12 năm nay.
Ngoài ra, trong hợp đồng trị giá 6 tỷ USD ký tháng 9, Hàn Quốc sẽ mua 40 chiến đấu cơ F-35 từ Lockheed Martin với điều kiện tập đoàn của Mỹ phải cung cấp một vệ tinh liên lạc cho Seoul để bù đắp.
"Tập đoàn, viện lý do chi phí, đã khiến kế hoạch chậm trễ một năm rưỡi nhưng họ chấp thuận chế tạo vệ tinh nếu Seoul không đòi đền bù thiệt hại", Kim nói. Lockheed Martin sẽ phải đối mặt án phạt nếu họ lại sai hẹn.
Hàn Quốc thông qua các kế hoạch trên trong bối cảnh tình hình địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên đang bất ổn do Triều Tiên tăng cường đe dọa và các nước trong khu vực lo lắng trước chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Như Tâm
Triều Tiên, Hàn Quốc, tên lửa