Bắc Kinh sẽ không tăng căng thẳng ở Biển Đông thời gian tới vì nước này đã hoàn tất việc bồi đắp, muốn lôi kéo thêm các nước ASEAN và chờ chính sách mới của Mỹ.
Trung Quốc được cho là đã hoàn tất việc cải tạo các đá nhân tạo ở Trường Sa. Ảnh: NYT |
Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo Biển Đông tại Khánh Hoà có chung nhận định diễn biến ở khu vực gần đây tương đối "yên ả" và xu hướng này sẽ duy trì vài tháng tới.
"Tôi ngạc nhiên với phản ứng của Trung Quốc sau khi Toà trọng tài quốc tế ra phán quyết với vụ kiện của Philippines hồi tháng 7. Tôi đã lo ngại Bắc Kinh sẽ rất tức tối và có những hành động leo thang. Tuy nhiên họ giữ yên lặng do đã hoàn thành việc cải tạo các đá nhân tạo ở Trường Sa", Giáo sư Stein Tønnesson, Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Oslo, Na Uy, hôm qua trao đổi với VnExpress bên lề hội thảo về Biển Đông.
Đánh giá của Tonnesson trùng với của nhiều học giả. Theo giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình nghiên cứu luật và chính sách biển, Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), căn cứ vào hình ảnh vệ tinh của các tổ chức nghiên cứu về tình hình Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện xong việc cải tạo ở Trường Sa, thậm chí nó có thể xảy ra trước khi Toà trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của nước này.
"Bắc Kinh dường như không cần tiếp tục bất cứ hoạt động xây dựng nào nữa, các cơ sở hạ tầng và thiết bị của họ có thể đã sẵn sàng để được triển khai nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp, không nhất thiết phải lắp đặt từ bây giờ", ông Beckman dự đoán.
Lý giải thêm việc Trung Quốc "hạ nhiệt" trong các hoạt động làm phức tạp tình hình, ông Abhijit Singh, Giám đốc Sáng kiến An ninh biển thuộc Quỹ nghiên cứu cho Quan sát viên (ORF) tại New Delhi, Ấn Độ, cho rằng Bắc Kinh đã xây dựng xong với quy mô lớn ở khoảng 7 thực thể. Điều đó cho thấy "nước này đã khẳng định sự hiện diện mạnh ở Biển Đông vì thế họ không cải tạo thêm các đá".
Nguyên nhân thứ hai khiến Trung Quốc ngưng "khuấy động" Biển Đông được cho là vì muốn thuyết phục các nước cùng có tranh chấp trong ASEAN chấp thuận phương án đàm phán song phương.
"Trung Quốc đã thành công trong đàm phán song phương với Philippines về bất đồng ở Trường Sa, đó là điều mà Bắc Kinh có thể nêu ra với Malaysia, Việt Nam hoặc thậm chí cả Indonesia, rằng 'Chúng tôi có ví dụ tốt về phương thức đàm phán này'", Chuẩn đô đốc Michael McDevitt, Nghiên cứu viên cấp cao, Chương trình nghiên cứu chiến lược, Trung tâm phân tích Hải quân, Mỹ, nói.
Ông McDevitt lưu ý đây chỉ là phỏng đoán và các nước cần chờ thêm thời gian để theo dõi tình hình.
Giáo sư Yann Huei Song, Viện nghiên cứu Âu – Mỹ, Học viện Khoa học, Đài Loan, Trung Quốc, đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc với một số thành viên ASEAN đang tốt lên, do đó Bắc Kinh muốn tận dụng cơ hội này để tìm cách thuyết phục các nước giải quyết vấn đề theo gợi ý của mình.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Frank Umbach, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm an ninh tài nguyên và năng lượng châu Âu (EUCERS), Đại học King, Anh, cảnh báo hợp tác kinh tế sẽ mang lại lợi ích trước mắt cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nó sẽ "gây đau đớn" trong dài hạn.
Giả thuyết thứ ba về việc Trung Quốc giữ tình hình Biển Đông "yên ổn" gần đây, các nhà nghiên cứu cho hay Bắc Kinh đang chờ đợi xem chính quyền Mỹ sẽ có các chính sách gì dưới thời tân tổng thống. Ông Donald Trump sẽ chính thức kế nhiệm vai trò ông chủ Nhà Trắng vào tháng một năm sau, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 9/11.
Theo ông Evan Laksmana, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), Indonesia cho rằng Trung Quốc không muốn gây căng thẳng ở Biển Đông trong lúc Mỹ đang thực hiện việc chuyển giao quyền lực.
"Tôi cho rằng Trung Quốc không muốn gây thêm một cuộc xung đột mới với Mỹ, nó có nguy cơ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ phía Washington", ông Laksmana nói.
Cơn sóng ngầm
Chuyên gia người Ấn Độ Singh khẳng định chính sự kiểm soát lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông khiến khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột. Nếu như lực lượng hải cảnh và đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc được phép ngăn chặn tàu của các nước đánh bắt ở một số khu vực, va chạm sẽ xảy ra.
Ông Singh lưu ý Trung Quốc đã xây dựng đường băng ở một số đảo nhân tạo, có thể còn triển khai các thiết bị quân sự, từ đó sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng tới các khu vực ở Nam Á, là điều khiến Ấn Độ lo ngại. Trường Sa là địa điểm mang ý nghĩa địa chính trị và chiến lược quan trọng, do đó ông Singh thúc giục các nước cần phối hợp để ngăn Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp ở khu vực này.
Giáo sư Beckman lưu ý hiện có sự thay đổi lãnh đạo ở Philippines và ở Mỹ, đều là nơi có các vấn đề phức tạp, vì thế các nước cần kiên nhẫn chờ đợi xem chính phủ Philippines và chính quyền Mỹ có quan điểm ra sao đối với vấn đề Biển Đông.
"Chính quyền Mỹ và Philippines sẽ thay đổi quan điểm với các nước ASEAN thế nào, vấn đề luật pháp (phán quyết của Toà trọng tài) đã rõ, nhưng vì những thay đổi về chính trị nên chúng ta vẫn đang trong một thời kỳ bất ổn mới", ông Beckman nhấn mạnh.
Việt Anh
Biển Đông, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN