Thế giới

Những nhóm đứng sau biểu tình chống Trump ở Mỹ

Các nhóm cánh tả tổ chức những cuộc biểu tình chống Trump và thu hút người dân qua mạng xã hội, tuy nhiên, có nghi ngờ rằng phần lớn người tham gia là 'dân chuyên nghiệp' được trả tiền.

nhung-nhom-dung-sau-bieu-tinh-chong-trump-o-my

Người biểu tình chống Trump tại khách sạn Las Vegas, Nevada ngày 12/11. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình chống Donald Trump đã diễn ra mỗi ngày kể từ ngày bầu cử 8/11. Những cuộc biểu tình được tổ chức tại các thành phố lớn trên cả nước, có lẽ đáng chú ý nhất ở New York, nơi ông Trump sống. Cũng có một cuộc biểu tình lớn tại Los Angeles và các cuộc nhỏ hơn ở Chicago, Portland và Miami. Nhưng tổng thống đắc cử và những người ủng hộ ông bác bỏ và gọi những sự kiện này là được dàn dựng bởi các nhóm cực tả hơn là các cuộc biểu tình tự phát từ những công dân lo ngại. Vậy những nhóm nào đã tổ chức các cuộc biểu tình chống Trump?

Hầu hết các cuộc biểu tình chống Trump thu hút người tham gia nhờ mạng xã hội, nơi những lời kêu gọi có thể dễ dàng lan truyền trong suốt cả ngày để những người phản đối tập trung vào buổi tối. Trên Facebook hiện có hàng chục trang sự kiện lên kế hoạch biểu tình trong tuần này, với gần 800 người nói rằng họ quan tâm đến sự kiện dự kiến ​​diễn ra ngày 18/11 tại Central Park. Nhiều người trong số họ nói với báo giới rằng họ chưa bao giờ tham gia vào một cuộc biểu tình nhưng cảm thấy phải làm vậy trong tuần này, một số ông bố bà mẹ còn mang con em theo.

Theo Heavy, đúng là nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bởi các nhóm hoạt động địa phương, những người sử dụng mạng xã hội để kêu gọi công dân bình thường tham gia. Ví dụ, ở Philadelphia, nhóm hoạt động Liên minh Bình đẳng đã tổ chức một cuộc biểu tình chống Trump lớn và họ nói họ có kế hoạch làm vậy mỗi ngày từ bây giờ cho đến lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng một, theo 6ABC.

Nhóm này từng tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7, với những người ủng hộ Bernie Sanders bày tỏ sự tức giận vì họ cho rằng ông Sanders bị đảng phớt lờ trong vòng bầu cử sơ bộ. Nhiều người cầm những tấm bảng viết: "Các người không thể ép tôi bỏ phiếu cho Hillary!".

Một nhóm địa phương đã tổ chức một số cuộc biểu tình là Portland Chống đối, chỉ vừa được thành lập để phản đối việc ông Trump đắc cử tổng thống. Nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Portland, Oregon. Mặc dù hầu hết các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ đều diễn ra hòa bình, một số cuộc ở Portland đã biến thành bạo lực. Cảnh sát hôm 10/11 nói rằng cuộc biểu tình có thể được coi như một cuộc bạo động, theo Washington Post.

Tuy nhiên, hai đêm đầu tiên của cuộc biểu tình tại Portland không có bạo lực. Mỗi buổi tối, ngày càng có nhiều người tham gia sau khi biết về cuộc biểu tình qua mạng xã hội hoặc chỉ là do đi ngang qua và nhìn thấy đám đông. Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra theo mô hình là: nhóm hoạt động địa phương tổ chức với quy mô nhỏ, rồi sau đó sự kiện được thêm nhiều người biết tới và quy mô được gia tăng.

Các nhóm hoạt động trên toàn quốc đã ủng hộ các cuộc biểu tình chống Trump bao gồm tổ chức Xuất hiện để đòi công bằng chủng tộc (SURJ) và Mạng lưới hành động quốc gia (NAN), theo NYTimes. SURJ tự giới thiệu mình là một mạng lưới các nhóm "làm việc để kết nối mọi người trên khắp đất nước trong khi hỗ trợ và cộng tác với những nỗ lực bình đẳng chủng tộc địa phương và toàn quốc". NAN là một nhóm quyền công dân được thành lập bởi nhà hoạt động đảng Dân chủ Al Sharpton.

Một nhóm quốc gia khác đứng sau các cuộc biểu tình là Liên minh Hành động để dừng chiến tranh và phân biệt chủng tộc (ANSWER), một tổ chức ban đầu được thành lập sau vụ khủng bố 11/9/2001. Họ đã giành được rất nhiều sự chú ý trong năm 2003 khi tổ chức một cuộc biểu tình tại công viên National Mall có tên là "Chấm dứt chiến tranh trước khi nó bắt đầu" với khoảng 500.000 người tham dự. Ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nhóm này viết trên trang web rằng họ sẽ "huy động người trên toàn quốc để tổ chức và tham gia vào các hoạt động khẩn cấp".

Trang web MoveOn.org, ban đầu được thành lập để phản ứng trước vụ ông Bill Clinton ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, cũng kêu gọi những người ủng hộ đi biểu tình sau ngày bầu cử. Nhưng theo USA Today, MoveOn đã không tổ chức bất kỳ cuộc biểu tình nào từ hôm 9/11.

nhung-nhom-dung-sau-bieu-tinh-chong-trump-o-my-1

Cảnh sát phải sử dụng hơi cay trong cuộc biểu tình tại Portland, Oregon ngày 12/11. Ảnh: Reuters

Dân thường hay chuyên nghiệp?

Ông Donald Trump hôm 10/11 viết trên Twitter rằng "những người biểu tình chuyên nghiệp, được truyền thông xúi giục, đang đi biểu tình". Trong cuộc phỏng vấn ngày 13/11, tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục nhắc lại điều này. "Tôi nghĩ là trong một số trường hợp có những người biểu tình chuyên nghiệp tham gia", ông nói. "Và thật sự như vậy, nếu nhìn vào WikiLeaks các bạn sẽ thấy".

Thực tế, các email được WikiLeaks công bố trong mùa hè cho thấy các thành viên của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) thừa nhận họ biết về các cuộc biểu tình chống Trump trong hành trình tranh cử, mặc dù không rõ ràng có phải họ là người lên kế hoạch sự kiện hay không. Chẳng hạn, trong một email, một nhân viên DNC gửi đến phó giám đốc truyền thông của Hillary Clinton một đường link về cuộc biểu tình chống Trump được lên kế hoạch trên Facebook.

Cựu thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani, người có khả năng sẽ được trao cho một vị trí trong Nhà Trắng, cũng cho rằng các đối tượng tham gia là những người biểu tình chuyên nghiệp.

"Tôi nghĩ rằng những người này giống những người biểu tình chuyên nghiệp hơn", ông Giuliani nói. "Tôi thấy họ không giống những người cẩn thận nghiên cứu khoa học chính trị và thất vọng về tư tưởng của cuộc bầu cử".

Trên mạng xã hội, nhiều người ủng hộ Donald Trump đã tìm hiểu lý lịch của một số người biểu tình để chứng minh rằng họ là "dân chuyên nghiệp" chứ không phải cử tri bình thường muốn nói lên ý kiến ​​của mình về tổng thống đắc cử.

Trang web cánh hữu Zero Hedge chỉ ra rằng một người biểu tình được USA Today phỏng vấn đã từng tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình trước đây. Những người khác đã từng làm việc cho đảng Dân chủ, trong đó có cả người từng hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2008. Zero Hedge cho rằng USA Today đã cố tình "giấu nhẹm" những điều này mà chỉ nêu các chức danh chung chung để tạo cảm giác như họ chỉ là những công dân bình thường.

Heavy kết luận rằng nếu ông Trump ám chỉ nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bởi các tổ chức cánh tả thì đó là điều đúng sự thật. Nhưng nếu ông Trump nói rằng hầu hết người biểu tình chỉ là những người được đảng Dân chủ trả tiền để tham gia và không thực sự quan tâm đến vấn đề, thì chưa có bằng chứng thực sự chứng minh điều đó.

Trong khi đó Robert Strauss, tác giả một cuốn tiểu sử về tổng thống thứ 15 của Mỹ James Buchanan, bày tỏ rằng ông cảm thấy khinh thường khi nhìn thấy những đoàn người biểu tình chống Trump, mặc dù ông là người ủng hộ nhiệt thành Hillary Clinton trong cuộc bầu cử. Ông cho rằng chắc hẳn trong đám đông biểu tình có những người chẳng buồn đi bầu hay cũng không cố gắng kêu gọi những người xung quanh ủng hộ Hillary Clinton.

"Nếu ông Trump tồi tệ đến mức họ phải biểu tình, thì sao lúc trước họ không thật nỗ lực để đánh bại ông ấy?", ông Strauss viết. "Thay vào đó, họ muốn đổ lỗi cho một cái gì đó hoặc ai đó".

Xem thêm: Phong trào biểu tình chống Trump bùng phát như thế nào

Phương Vũ

VNExpress

biểu tình, Donald Trump, chống Trump, biểu tình chống Trump


      © 2021 FAP
        3,252,177       1,719