Thế giới

Những thảm họa quân sự do sự bảo thủ của các vị tướng

Trong lịch sử, không ít lần chỉ vì sự bảo thủ không chịu thay đổi của các vị tướng đã đẩy binh lính thuộc quyền vào nguy hiểm, thậm chí mất mạng.

Trận Crécy

nhung-tham-hoa-quan-su-do-su-bao-thu-cua-cac-vi-tuong

Kỵ binh Pháp gục ngã trước làn mưa tên của quân Anh trong trận Crecy. Ảnh: History.

Pháp thua Anh trong trận Crécy năm 1346 do họ bảo thủ và tỏ ra rất khinh suất. Trước khi trận đánh diễn ra, một số trận chiến cho thấy việc lập thế trận phòng thủ bằng đội hình bộ binh có thể đánh bại các cuộc tấn công của lực lượng kỵ binh giáp sắt.

Người Anh đã rút ra bài học này sau khi trận chiến đấu với người Scotland ở Bannockburn. Trong khi đó, người Pháp vẫn không chịu thay đổi quan điểm và không chú trọng vào vai trò của bộ binh, bởi làm như vậy là hạ thấp tầm quan trọng của lực lượng kỵ binh của các nhà quý tộc.

Bởi vậy, quân Pháp vẫn tiếp tục áp dụng lối đánh hết sức liều lĩnh thời Trung Cổ khi đối đầu với bộ binh Anh. Hàng nghìn kỵ binh Pháp và đồng minh vẫn tiếp tục phi nước đại vào các phòng tuyến Anh, chỉ để gục ngã dưới làn mưa tên của các cung thủ hoặc bị quân Anh triệt hạ.

Sau thất bại cay đắng trong trận Crécy, các tướng lĩnh Pháp thậm chí vẫn chưa rút ra được bài học và tiếp tục phạm sai lầm tương tự ở các trận Poitiers (1356) và Agincourt (1415).

Trận Bicocca

Trong thời kỳ vai trò các hiệp sĩ suy giảm ở thế kỷ 14-15, bộ binh Thụy Sĩ là lực lượng nổi tiếng nhất châu Âu, với đội hình binh sĩ cầm giáo và thương có thể chọc thủng bất cứ phòng tuyến nào của đối phương. Tuy nhiên, trong trận Bicocca, quân đội Thụy Sĩ đã quá tự tin vào đội hình này mà xem thường sức mạnh của một loại vũ khí mới, đó là thuốc súng.

Khi trận đánh diễn ra năm 1522, đối thủ Tây Ban Nha của họ sử dụng đội hình kết hợp giữa lính cầm súng hỏa mai và lính cầm giáo, công thức mang lại thành công trong suốt hai trăm năm tiếp theo.

Quân Thụy Sĩ vẫn nghĩ rằng họ không cần thay đổi chiến thuật. Không cần đợi đồng minh Pháp, họ tấn công các cứ điểm của quân Tây Ban Nha ở Bicocca và bị lính cầm giáo của đối phương chặn đứng, làm mồi cho các tay súng hỏa mai và buộc phải rút quân sau khi bị tiêu diệt 3000 trong tổng số 8000 quân trong đội hình.

Cuộc hành quân của tướng Braddock, Anh

nhung-tham-hoa-quan-su-do-su-bao-thu-cua-cac-vi-tuong-1

Người Mỹ tái hiện cuộc hành quân của tướng Braddock. Ảnh: Wikimedia

Trong chiến tranh giữa Pháp và Anh ở Bắc Mĩ năm 1775, khả năng thích nghi với điều kiện chiến trường là điều vô cùng cần thiết của các tướng lĩnh. Các khu rừng rậm rạp và địa hình bị chia cắt khiến việc đánh giáp lá cà theo đội hình rất khó khăn, nên việc phân tán đội hình để tác chiến trở nên rất cần thiết. Đây là chiến thuật mà vị tướng tài ba George Washington đã cố gắng đề xuất với tướng Anh Eward Braddock.

Tướng Braddock đã coi nhẹ đề xuất này, bởi ông xem tính kỷ luật là trên hết. Vì thế ông ra lệnh cho quân Anh hành quân theo đội hình co cụm băng qua khu rừng hướng về đồn Duquesne của Pháp. Khi quân Pháp tổ chức đánh phục kích, quân Anh bị mất phương hướng và không thể đối phó với xạ thủ phục kích trong các lùm cây khiến 60 trong tổng số 86 sĩ quan thiệt mạng. Chỉ sau khi tướng Braddock bị trúng đạn chết, quân Pháp mới cho phép quân Anh rút lui trong hỗn loạn.

Trận New Orlean

nhung-tham-hoa-quan-su-do-su-bao-thu-cua-cac-vi-tuong-2

Quân Anh hứng chịu thất bại cay đắng khi xông thẳng vào chiến lũy của quân Mỹ trong trận New Orleans. Ảnh: History.

Năm 1815, ngài Eward Pakenham, một tướng trẻ người Anh, dẫn quân chiến đấu với quân Mỹ ở New Orleans mà không hề biết hòa bình đã được lập lại. Đây lẽ ra là một chiến thắng dễ dàng với Pakenham, người dẫn đầu một đội quân chuyên nghiệp gồm các chiến binh kỳ cựu chống lại một đội quân ô hợp gồm lính chính quy, dân quân và thường dân của Mỹ.

Dù lực lượng phòng thủ của Mỹ do tướng Andrew Jackson trực tiếp chỉ huy, tướng Pakenham vẫn có thể tìm ra nhiều cách khác nhau để vây hãm và tiêu diệt quân địch, giành thắng lợi dễ dàng.

Thế nhưng, Pakenham đã ra lệnh cho đội quân của mình giương lưỡi lê, xông thẳng vào cứ điểm phòng thủ của đối phương, bất chấp làn hỏa lực từ bên trong bắn ra. Kết quả là 2.100 lính Anh đã thiệt mạng, trong khi phía Mỹ chỉ mất 21 người.

Điều đáng nói là quân Anh đã từng chịu nhiều thất bại cay đắng bởi chiến thuật tấn công kiểu biển người như vậy, nhưng Pakenham vẫn không hề rút được kinh nghiệm, và biến trận chiến thành một thảm họa không thể cứu vãn.

Xem thêm: Những sự cố hài hước nhất trong lịch sử quân sự thế giới

Duy Sơn

VNExpress

thảm họa quân sự


      © 2021 FAP
        3,255,597       1,856