Bạn đọc

Đồng Nai trong mắt mọi người

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ chính sách đối ngoại mở rộng với phương châm "đa phương hóa, đa dạng hóa", Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực nên đã tạo nhiều cơ hội cho người nước ngoài đến tham quan, Việt kiều về Việt Nam làm ăn, du lịch…

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ chính sách đối ngoại mở rộng với phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa”, Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực nên đã tạo nhiều cơ hội cho người nước ngoài đến tham quan, Việt kiều về Việt Nam làm ăn, du lịch…

Người dân Biên Hòa tập thể dục sáng trong chương trình 30 phút mỗi ngày. Ảnh: N.Liên
Người dân Biên Hòa tập thể dục sáng trong chương trình 30 phút mỗi ngày. Ảnh: N.Liên

Qua đó, trong mắt của người nước ngoài và Việt kiều, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng sau 42 năm thống nhất đất nước đã có nhiều tiến bộ, đổi thay đáng kinh ngạc.

* Người Việt Nam rất thân thiện

Ông Hứa Thanh Sơn, công dân Đài Loan (Trung Quốc) sinh sống và làm việc tại Đồng Nai được gần 6 năm. Cảm nhận đầu tiên khi nói về người Đồng Nai của ông Sơn là sự thân thiện: “Người dân Đồng Nai, đặc biệt là TP.Biên Hòa nơi tôi đang sinh sống rất đáng mến, gần gũi, cởi mở. Biên Hòa là thành phố đẹp và đang có tốc độ phát triển khá nhanh; có những mảng không gian xanh, thoáng là môi trường thân thiện để người dân dạo chơi cũng như tập thể thao, rèn luyện thân thể. Tôi thích mỗi buổi sáng sớm được cùng mọi người tập thể dục, bởi qua đó tôi được gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi những vấn đề trong cuộc sống ở nơi mà tôi đang chọn để làm việc lâu dài”.

Theo ông Sơn, 6 năm trước khi bước chân đến Biên Hòa, cảm giác đầu tiên ông nhận ra là thành phố vẫn còn hạn chế nhiều mặt. Đó là kết cấu hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, thiếu những không gian xanh cần thiết của một đô thị; một số khu vực dân cư còn chậm phát triển… Tuy nhiên, đến nay Biên Hòa phát triển tương đối phù hợp với nhu cầu, kể cả về kinh tế lẫn văn hóa. Trong đó, tại các công viên vào buổi sáng sớm luôn nhộn nhịp người tập thể dục, đặc biệt là Chương trình 30 phút sức khỏe mỗi ngày tại Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh mà ông Sơn cùng tham gia hướng dẫn suốt 3 năm qua đang ngày càng thu hút nhiều người. Điều đó cho thấy cuộc sống của nhân dân Biên Hòa đã ổn định, người dân quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe, trí tuệ minh mẫn để làm việc hiệu quả hơn. “Đất nước của các bạn đang phát triển mỗi ngày. Tôi mong sẽ được làm việc dài lâu với những người con Biên Hòa - Đồng Nai. Tình cảm chân thật của các bạn đã níu kéo tôi ở lại để cùng với mọi người tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển chung của Việt Nam” - ông Sơn chia sẻ.

* Quê hương luôn ở trong trái tim

Năm 1996, bà Nguyễn Thị Yên Trinh (khi đó ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) rời quê hương để định cư tại Mỹ. Năm 2012, lần đầu tiên trở về Việt Nam bà đã rất ngạc nhiên về sự thay đổi của nơi bà được sinh ra và lớn lên. Từ đó đến nay, bà Trinh có thêm 2 lần nữa về thăm Biên Hòa và đi du lịch nhiều nơi khác trong nước.

Nói về Biên Hòa của hơn 2 thập kỷ trước, bà Trinh cho rằng hồi đó thành phố còn khó khăn, cuộc sống nhiều thiếu thốn; khu dân cư nhà cửa lụp xụp, đường phố chật hẹp… Còn nay, tốc độ phát triển của Biên Hòa tạo được nhiều điểm nhấn khá ấn tượng, như: đường sá được mở rộng, nhiều khu nhà khang trang, chung cư cao tầng… cho thấy vấn đề đô thị được quy hoạch bài bản hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên thấy rõ. “Đất nước mình thay đổi nhiều quá! Biên Hòa luôn là quê hương trong trái tim tôi. Người dân mình sống với nhau rất tình cảm, chan hòa, giá trị văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát triển, cho thấy cuộc sống ở Việt Nam rất thoáng, đáng sống hơn một số quốc gia khác mà tôi đã đến” - bà Trinh bày tỏ.

Cùng nỗi niềm như bà Trinh, ông Nguyễn Tất Hùng, Việt kiều Úc (trước đây ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết cách đây hơn 15 năm ông lấy vợ và định cư tại Úc. Cuộc sống ở bên đó khá tốt, nhưng lúc nào ông cũng canh cánh nhớ quê hương. Mới đây khi về thăm lại gia đình, ông Hùng không ngăn được xúc động khi thấy phần lớn đời sống người dân đã được cải thiện. Hầu hết các tuyến phố ở Biên Hòa nhà nào cũng được xây dựng khang trang, đặc biệt là nội ô thành phố được đầu tư tươm tất, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ở bên Úc, ông Hùng làm việc cho một công ty du lịch, có lẽ vì vậy nên ông có cái nhìn hơi khắt khe về lĩnh vực này. Theo ông, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều phong cảnh đẹp nhưng chưa được khai thác đúng mức, khu du lịch hoạt động chưa mang tính chuyên nghiệp nên thiếu sự quảng bá tốt về hình ảnh độc đáo của mỗi địa điểm. Ông Hùng khẳng định, đã là người Việt Nam dù có đi đến đâu thì 2 chữ thiêng liêng “Việt Nam” là trên hết. Bởi vậy, ông sẽ còn tiếp tục về thăm quê hương trong những thời điểm thích hợp.

Giờ lên lớp dạy tiếng Anh của ông Craig Alen. Ảnh: K.Liễu Ảnh: K.Liễu
Giờ lên lớp dạy tiếng Anh của ông Craig Alen. Ảnh: K.Liễu Ảnh: K.Liễu

Ông Craig Alen (quốc tịch Mỹ): Tốc độ phát triển ở Biên Hòa khá nhanh

5 năm trước, qua lời giới thiệu của bạn bè, ông Craig Alen (quốc tịch Mỹ) sang Việt Nam chủ yếu đi du lịch. Tuy nhiên, sau chuyến đi ông quyết định ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc. “Đất nước của các bạn có nhiều điều rất thú vị về con người, văn hóa và ẩm thực, điều này như thôi thúc tôi phải ở lại để khám phá. Trước đây tôi đã từng dạy học ở Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng sau đó không thể thích nghi nên quay về Mỹ. Thời gian đầu khi đến Việt Nam, tôi ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh 2 năm. Năm 2015, trong một lần tình cờ đến phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) thăm bạn bè, tôi rất bất ngờ vì nơi đây có điểm giống với bang Colorado của Mỹ, nơi tôi đã sinh ra. Cuộc sống ở đây khá thoải mái, không quá náo nhiệt ồn ào như ở những nơi khác nên tôi quyết định ở lại Biên Hòa và mở một trung tâm Anh ngữ tại phường Thống Nhất cho những người có nhu cầu, đồng thời tôi cũng có nhiều kế hoạch gắn kết lâu dài tại đây. Điều làm tôi thích nhất chính là những người láng giềng nơi tôi đang ở, vì họ rất thân thiện, giàu tình cảm. Quá trình ở thành phố này, tôi cảm nhận tốc độ phát triển ở Biên Hòa khá nhanh về các mảng dịch vụ và công trình giao thông công cộng. Đây là hướng phát triển của một thành phố lớn” - ông Craig Alen nhận xét.                                                                                                  

Kim Liễu (ghi)

Minh Quân - Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,407       43