Xã hội

Ngôi trường trên mảnh đất chiến khu anh hùng

Được xây dựng trên mảnh đất Chiến khu Đ anh hùng, Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ đã là nơi học tập của hàng ngàn học sinh xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, góp sức cho sự phát triển quê hương đất nước.

Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) được xây dựng khang trang từ 10 năm trước.
Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) được xây dựng khang trang từ 10 năm trước.

Thầy Thái Văn Bé Năm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ, cho biết: “So với cơ sở vật chất của trường lúc mới thành lập (25 năm trước), thì nay trường đã khác hoàn toàn, bề thế hơn hẳn. Có được điều này chính là sự quan tâm đầu tư rất lớn của huyện và tỉnh về mọi mặt”.

* Ngôi trường của đổi mới

Giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ khá cao. Trong đó, khối THCS là 90%, khối THPT là 30%, và đang tiếp tục được nâng lên khi có thêm nhiều thầy cô được trường tạo điều kiện cho đi học lên đại học và cao học ở các bộ môn.

Theo lời thầy Năm, năm 1992 Phú Lý còn là xã vùng sâu rất nghèo khó. Khi đó, xã Phú Lý thưa dân cư, chưa có điện lưới, đường chỉ toàn là đường đất và chưa có trường THCS. Học sinh xã Phú Lý muốn học lên THCS phải ra tận thị trấn Vĩnh An, cách xã hơn 40 cây số đường đất nên chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể cho con ra thị trấn học.

Một trong những bước đột phá trong phát triển GD-ĐT là năm 1992 tỉnh xây dựng Trường THCS Phú Lý. Khi mới thành lập, trường chỉ có 5 phòng học bằng gỗ, giáo viên cũng chỉ có 10 người đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Có trường THCS nhưng việc “kéo” học sinh học hết tiểu học và tiếp tục học lên bậc THCS  là điều không mấy dễ dàng.

Một tiết học của thầy và trò Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ.
Một tiết học của thầy và trò Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ.

Thầy Năm chia sẻ: “Những năm đầu xã Phú Lý có trường THCS, nhiều người rất phấn khởi. Giáo viên chúng tôi ai nấy đều suy nghĩ việc “kéo” bằng được học sinh học hết tiểu học và tiếp tục học lên THCS là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì nếu không tiếp tục học lên thì nhiều em lớn lên sẽ không có tương lai, thậm chí là tái mù chữ. Khi đó, để kéo được một học sinh tiếp tục tới lớp, có khi giáo viên còn phải tới nhà làm rẫy giúp để phụ huynh đồng ý cho con em  tiếp tục đi học”.

Để chấm dứt tình trạng học sinh phải vượt đường dài ra tận thị trấn Vĩnh An của huyện học THPT, năm 2004 tỉnh một lần nữa nâng cấp Trường THCS Phú Lý lên thành Trường THCS-THPT Phú Lý. 3 năm sau đó, vào đầu năm 2007 trường chính thức đổi tên thành Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ, đồng thời đầu tư xây mới cơ ngơi bề thế cao 3 tầng với 21 phòng học và các phòng chức năng. 

* Tạo sức bật cho Phú Lý

Việc một xã vùng sâu Phú Lý được đầu tư xây dựng trường lớp sớm và không ngừng nâng cấp hiện đại đã giúp cho xã có được mặt bằng dân trí tốt hơn. Từ ngôi Trường này, nhiều học sinh của xã đã vào được các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, từ đó có được việc làm và tương lai ổn định. Ban giám hiệu Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ cho biết hầu hết lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Phú Lý hiện nay đều là cựu học sinh của trường.

Nhiều thế hệ học sinh THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã trở về trường công tác, tiếp tục trở thành những “người đưa đò” cho nhiều thế hệ học sinh xã Phú Lý hôm nay. Thầy Nguyễn Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ Sinh học, chia sẻ: “Tôi tự hào vì được trở lại chính ngôi trường mình đã học để tiếp tục mang kiến thức tới cho các thế hệ học trò của xã”.

Là trường thuộc xã vùng sâu, nhưng Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ được Sở GD-ĐT đánh giá là trường có chất lượng dạy và học không thua kém gì với các trường ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn. Đến nay, nhà trường có 69 giáo viên trình độ đại học, trong đó 10 người là thạc sĩ. Theo thống kê của Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ, những năm gần đây học sinh của trường đậu đại học, cao đẳng với tỷ lệ 55-60% mỗi năm, trong đó có nhiều em đậu vào những trường đại học tốp trên thuộc các nhóm ngành y dược, kinh tế, khoa học tự nhiên…

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,419       54