Kinh tế

Bồi dưỡng nghiệp vụ, sao giáo viên phải đóng tiền?

TTO - Việc học bồi dưỡng là cần thiết nếu để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho thầy cô giáo, tuy nhiên không ít giáo viên thắc mắc là việc thầy cô phải bỏ tiền để đóng học phí có đúng không?

Bồi dưỡng nghiệp vụ, sao giáo viên phải đóng tiền? - Ảnh 1.

Theo thông tư số 22/2015, thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT công lập quy định tại điều 5, mục 2, khoản d: Ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học... phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III.

Cụ thể: Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.102. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.113. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12. Do vậy, hiện nay giáo viên đều phải bắt buộc học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III tùy thuộc vào hạng đang giữ.

Việc học bồi dưỡng là cần thiết nếu để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho thầy cô giáo, tuy nhiên có không ít giáo viên thắc mắc là việc thầy cô phải bỏ tiền để đóng học phí có đúng không? 

Số tiền mỗi giáo viên phải đóng cũng khác nhau tùy theo mỗi địa phương. Ví dụ phòng GD-ĐT ở một huyện khi hợp đồng với trường ĐH ở miền Trung bồi dưỡng cấp chứng chỉ là 2.600.000 đồng/giáo viên/2 tuần, trong khi đó theo tôi biết tại Hà Nội lại thu 3.000.000 đồng/giáo viên... 

Nếu nhân số tiền này với giáo viên THCS cả nước là con số không hề nhỏ, trong khi đời sống của đại đa số giáo viên vẫn còn không ít khó khăn và thời gian học lại tổ chức vào dịp giáo viên được nghỉ hè.

Vào cuối năm học 2017-2018, nhiều trường THCS ở địa phương tôi còn phổ biến cho giáo viên đăng ký học bồi dưỡng giáo viên THCS hạng I, II, III. Nhiều giáo viên hỏi nếu không đăng ký học có được không? 

Câu trả lời chung là phải học để giữ hạng và để tính hưởng lương mới từ năm 2021 theo vị trí, việc làm chức danh nghề nghiệp, do vậy tất cả giáo viên dù muốn hay không cũng đều phải đăng ký học.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên THCS hạng I, II, III là không cấp thiết vì không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy chuẩn bị cho việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm 2020-2021 (đối với lớp 6), mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư số 22.

Vậy có cần vội thực hiện không? Vì chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung cụ thể: như học kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; rồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp... Nên chăng ngành giáo dục tổ chức bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì thiết thực hơn.

Hơn nữa, việc thu tiền học bồi dưỡng của giáo viên không phải là quy định của Bộ GD-ĐT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên hằng năm cho giáo viên.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        227,483       265