Kinh tế

Sức trẻ trên những công trìnhTrường Sa

TTO - Họ là những sĩ quan thế hệ 8X của lữ đoàn công binh 131 hải quân, nhiều nỗ lực và “tham vọng” được góp sức mình vào những công trình trên biển, đảo Tổ quốc.

Sức trẻ trên những công trìnhTrường Sa - Ảnh 1.

Một khối rùa neo được chuẩn bị thả xuống biển - Ảnh: VŨ ĐỨC THỊNH

35 tuổi, thiếu tá - kỹ sư Vũ Đức Thịnh đã đảm nhiệm vị trí phó trưởng phòng - phó chủ nhiệm kỹ thuật lữ đoàn công binh 131 hải quân. Anh đã có nhiều năm tham gia đảm bảo kỹ thuật cho máy móc, trang thiết bị thi công các công trình ở Trường Sa.

Người thiết kế rùa neo

Khi đơn vị triển khai tám dự án cấp bách năm 2015, thiếu tá - kỹ sư Vũ Đức Thịnh là người trực tiếp phụ trách công tác kỹ thuật toàn bộ phía Nam đảm bảo cho các công trình ở Trường Sa.

"Kết quả mình thấy tự hào nhất là sáng kiến giải pháp chế tạo và lắp đặt rùa neo phục vụ cho công trình xây dựng trên một số đảo ở Trường Sa. Rùa neo, hiểu nôm na như một cái móc dưới biển để giữ cố định cho máy móc, trang thiết bị hoặc pôngtông không bị sóng đánh trôi, giống như một cái neo chìm dưới biển.

Việc chế tạo và thả rùa neo là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn. Lữ đoàn giao, anh em trong đơn vị phải quyết tâm làm. Tôi nghiên cứu bản thiết kế, phân tích kết cấu và nảy ra vài ý tưởng" - thiếu tá Vũ Đức Thịnh nói.

Anh đề xuất ghép hai xuồng chuyển tải thành bè, lắp một cụm panăng có giá bốn chân rồi đặt khối rùa neo ở giữa, thả xuống biển.

Rùa neo là một khối bêtông vuông có ba kích thước khác nhau từ 1,5 tấn, 2,5 và 4,5 tấn. Trước đây, để vận chuyển được rùa neo ra đảo và hạ xuống biển, người ta chia thành nhiều khối khác nhau, sau đó thả xuống biển và phải có thợ lặn lắp ghép lại.

Sau khi nghiên cứu, thiếu tá Thịnh cải hoán lại. Thiết kế rùa neo của anh chỉ cần thả nguyên khối và không cần thợ lặn lắp ghép nữa.

Nhờ sáng kiến này đã giải quyết rất lớn về vấn đề thời gian, đảm bảo tiến độ thi công, giảm nhiều công sức bộ đội, tiết kiệm kinh phí trên 300%. Công trình từng đoạt giải nhì hội thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2016.

Từ lúc có ý tưởng cho đến khi triển khai, thiếu tá Thịnh chỉ mất ba tuần thực hiện. Sản phẩm được ứng dụng ngay sau khi nghiệm thu thành công.

Cùng một thời điểm, đơn vị bạn thi công một công trình tương tự nhưng mất mấy tháng mới xong, còn đơn vị mình chỉ nửa tháng là hạ đặt xong hết!
Thiếu tá Vũ Đức Thịnh

Chuyện người đi tôn tạo đảo

Về lữ đoàn tháng 10-2008, đến đầu năm 2009 trung úy Nguyễn Minh Châu đã lên tàu ra đảo để tôn tạo công trình. Chuyến đầu tiên đi biển, anh "chết lên chết xuống" vì bị say sóng. "Chuyến đó mình đi Đá Lát, say và nằm bẹp luôn. Dù say sóng, mình không uống thuốc chống say, phải rèn cho quen sóng gió" - thiếu tá Châu (34 tuổi) bật cười khi nhớ lại chuyến đi "kinh hoàng" ấy.

Khi chỉ huy triển khai đi lấy bánh mì cho chiến sĩ ăn, trung đội trưởng Nguyễn Minh Châu say lả nhưng vẫn phải cố gượng dậy, bò, lần từng chút một đi lấy bánh mì cho bộ đội, rồi lại bò về giường nằm lăn. Khi tới đảo, anh lao vào vận chuyển hàng chứ không được nghỉ ngơi.

Là trung đội trưởng, Minh Châu vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp làm cùng. Anh không những vác bao ximăng như chiến sĩ, mà mắt còn phải quan sát để đôn đốc bộ đội, xem độ an toàn của anh em lúc chuyển tải giữa sóng to gió lớn...

Chuyến đi đó, Minh Châu ở đảo gần một năm. "Thời điểm gần về cuối năm nên sóng gió lớn lắm. Mình và anh em đi chuyển tải ở đảo Phan Vinh. Bị say sóng, nhưng là chỉ huy, mình nhảy xuống boong là nơi rất nóng và dễ say nhất. Mình nôn 16 - 17 lần, phải xin củ đậu ăn cho có cái để nôn ra. Ai cũng say. Bình thường đi chỉ mất 20 phút nhưng lần đó đi từ 12h trưa đến 18h mới về đến tàu. Đó là chuyến xuồng chuyển tải lâu nhất trong cuộc đời mình đến thời điểm này" - thiếu tá Châu kể.

Anh chàng trung úy Nguyễn Minh Châu 10 năm trước giờ đã là thiếu tá, phó tiểu đoàn trưởng quân sự tiểu đoàn 884 (lữ đoàn 131), là chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2016. Anh đã quá quen với những chuyến đi "thử sóng" khi xây dựng các công trình, từ kè chắn sóng, làm chân khay quanh mép đảo, xây nhà cho bộ đội ở, mở luồng... trên các đảo chìm, đảo nổi.

Nhiều năm liền anh đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức thi công nhiều công trình không chỉ đúng yêu cầu kỹ thuật mà năng suất đạt 120%.

Ưu tiên nước ngọt xây dựng công trình

3

"Với công binh hải quân, nước ngọt là "máu", nước ngọt ưu tiên xây dựng công trình. Người tắm nước mặn được chứ bêtông không thể đổ nước mặn được.

Khi nào tàu ra, anh em chuyển tải mới tắm nước ngọt nhờ tàu, rồi xin một can nước mang về chia cho những người còn lại tắm.

Công việc, nhiệm vụ rất vất vả nhưng mọi người đều hiểu được ý nghĩa công việc mình làm, lại càng nỗ lực hơn. Làm xong một công trình thấy mình trưởng thành rất nhiều" - thiếu tá Nguyễn Minh Châu chia sẻ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        227,619       629