Bất chấp những quy định hạn chế về tín dụng và tỷ suất lợi nhuận không cao, bất động sản (BĐS) tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc vẫn thu hút lượng đầu tư tăng mạnh.
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á Thái Bình Dương ULI 2018 được tổ chức tại Hồng Kông hồi đầu tháng này. Theo đó, mặc dù dòng vốn đổ vào Trung Quốc đại lục tiếp tục bị thắt chặt kiểm soát, khối lượng đầu tư vào các thành phố cấp 1 như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thành Đô vẫn tăng trung bình 25% mỗi năm trong vòng ba năm qua, đạt 35,4 tỷ USD vào năm 2017.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn nhà đầu tư nước ngoài trong việc thúc đẩy thị trường nhà đất.
Bà Betty Wong, Giám đốc điều hành thị trường vốn và các dịch vụ đầu tư của Colliers International cho biết: "Trong 10 năm qua, hầu hết các giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đến năm 2017, 69% giao dịch được thực hiện trong nước thông qua chuyển nhượng cổ phiếu hoặc tài sản. Người mua trong nước chiếm 83% thị phần. Nếu tính gộp cả người Hồng Kông và Đài Loan, con số này lên tới hơn 90%."
Các khách hàng nước ngoài đầu tư vào BĐS Trung Quốc hầu hết đến từ Mỹ (chiếm 4%), Singapore (chiếm 3%) và các nước châu Âu (chiếm gần 1%).
Ông James Morrison, Giám đốc quản lý cấp cao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Hines nhận định: "Các thành phố cấp 1 của Trung Quốc là một trong những "đầu tàu" định hướng sự đổi mới và phát triển trên thế giới". Đó thực sự là những "thành phố alpha" thu hút mọi người, không chỉ từ Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới."
Người mua BĐS sẵn sàng bỏ qua các yếu tố bất lợi như giá cao và tỷ suất lợi nhuận thấp khi theo đuổi cơ hội đầu tư ở thị trường Trung Quốc. Ông Ryan Botjer, Giám đốc quản lý cấp cao của Tishman Speyer tại Trung Quốc cho biết: "Tỷ suất lợi nhuận chỉ ở mức 3,5-4% đối với các BĐS cơ bản, trong khi lãi suất cao, đồng nghĩa với việc đòn bẩy ở mức âm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ vốn tìm mua BĐS chất lượng cao ở Trung Quốc. Nếu bạn sở hữu sản phẩm ở vị trí thuận lợi và kết nối giao thông tốt, tôi nghĩ nó vẫn có nhiều giá trị trong không gian thương mại."
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị tin rằng các khu dân cư và hậu cần thương mại sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhất ở Trung Quốc trong vài năm tới. Bà Wong cũng cho biết các nhà đầu tư hiện quan tâm nhất đến lĩnh vực tái phát triển đô thị và nhà ở cho thuê. Cả hai lĩnh vực đều đang được chính phủ hỗ trợ.
Trong khi đó, các ngân hàng vẫn muốn cho vay BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở. Nhiều đại biểu cho rằng các biện pháp thắt chặt tín dụng, đặc biệt là từ những tổ chức cho vay phi ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát thị trường.
Thượng Hải vẫn là thị trường lớn nhất Trung Quốc, chiếm tới 48% khối lượng đầu tư của cả nước. Lượng đầu tư vào Thành Đô cũng tăng vọt tới 500% trong năm 2017, trong khi Quảng Châu và Thâm Quyến cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 119% và 53%.