Kinh tế

Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc bị tố can thiệp ‘chủ quyền’ nước khác

TTO - Một nghiên cứu mới cho rằng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng vượt quá biên giới Trung Quốc, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp nước ngoài.

Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc bị tố can thiệp ‘chủ quyền’ nước khác - Ảnh 1.

Ảnh: REUTERS

Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc là hệ thống dữ liệu lớn mà chính quyền sử dụng để theo dõi và đưa vào khuôn khổ cách hành xử của công dân cũng như doanh nghiệp hoạt động tại nước này.

Hệ thống này là một loạt các dữ liệu lớn và quá trình xử lý dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), "chấm điểm" tín nhiệm xã hội cho người dân dựa trên các hành vi xã hội, chính trị và kinh tế của họ.

Theo hệ thống này, những người có điểm tín nhiệm xã hội thấp có thể bị cấm hoặc bị liệt vào danh sách đen, không thể tiếp cận các dịch vụ như đi lại bằng đường không, đường sắt. Trong khi đó những người điểm cao sẽ được hưởng các quyền ưu tiên.

Theo lộ trình chính phủ Trung Quốc dự định đưa toàn bộ 1,35 tỉ dân nước này vào hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội vào năm 2020.

Tuy nhiên trong báo cáo nghiên cứu của học giả Samantha Hoffman của Viện chính sách mạng quốc tế thuộc ASPI tại Canberra (Úc), bà cho rằng ảnh hưởng của hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội Trung Quốc đã vượt quá cả biên giới nước này.

Theo nhà nghiên cứu Samantha Hoffman, những ảnh hưởng đó cho tới nay vẫn chưa được hiểu rõ, và trên thực tế đã tác động tiêu cực tới hành xử của các doanh nghiệp nước ngoài, theo đó bà Hoffman cảnh báo "nguy cơ can thiệp trực tiếp vào chủ quyền của nước khác".

Theo bà Samantha Hoffman, những sự việc gần đây cho thấy thực tế này. Nhà chức trách Trung Quốc đã gây áp lực với các hãng bay quốc tế tại Mỹ và Úc, bắt họ phải sử dụng những cách gọi về Đài Loan và Hong Kong theo mong muốn của Trung Quốc.

Bà Hoffman cho rằng đó là những ví dụ điển hình nhất cho thấy sự mở rộng quá mức của các nguyên tắc thuộc hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc tới các doanh nghiệp nước ngoài.

Tính tới ngày 1-1-2018 tất cả các công ty có giấy phép doanh nghiệp của Trung Quốc, điều kiện cần thiết để có thể hoạt động tại nước này, đã được đưa vào hệ thống tín nhiệm xã hội thông qua yêu cầu cấp phép mới để được cấp "mã tín nhiệm xã hội hợp nhất" có 18 số.

Thông qua số ID doanh nghiệp này, chính phủ Trung Quốc sẽ theo dõi mọi doanh nghiệp và thông báo về những sai phạm của họ trên hệ thống công bố thông tin tín nhiệm doanh nghiệp quốc gia.

Sau ngày 30-6, hệ thống này tiếp tục mở rộng tới các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, liên minh thương mại và các tổ chức xã hội.

"Các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ quy định nếu họ muốn tiếp tục làm ăn tại Trung Quốc", bà Hoffman nói.

Những hình phạt với các công ty trong trường hợp vi phạm cho tới nay đều ở dạng thức phạt tiền. Chẳng hạn, hãng bán lẻ Nhật Bản Muji từng bị phạt 200.000 nhân dân tệ trong tháng 5 khi gán lên nhãn các sản phẩm bán tại Trung Quốc liệt kê Đài Loan là một nước độc lập.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        227,643       520