TTO - Đã có 2 bệnh nhân mắc chủng cúm A/H1N1 tử vong trong vòng nửa tháng qua. Phòng bệnh từ sớm là nguyên tắc có thể giúp tránh các rủi ro nếu dịch lớn xảy ra.
Đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 25-6, nhiều người mang khẩu trang phòng bệnh - Ảnh: Thanh Hảo
Các chuyên gia y tế đã đưa ra 10 lưu ý:
1. Bệnh nguy hiểm hơn nếu người mắc cúm đã có bệnh mãn tính: Hiện các chủng cúm lưu hành trên thế giới là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Thông thường, người mắc cúm thường khỏi sau một tuần điều trị. Một tỉ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở người có sức đề kháng kém, người có bệnh mãn tính, người già, trẻ em, phụ nữ có thai...) bệnh có thể diễn biến thành viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
2. Có thể ngừa bệnh bằng cách tiêm văcxin. Cúm A/H1N1 hiện đã là một thành phần trong văcxin phòng bệnh cúm mùa. Người có nhu cầu, đặc biệt là ngừa có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, nên tiêm ngừa cúm.
3. Giữ khoảng cách với người bệnh. Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
4. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác. Nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
5. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
6. Tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng... thì thông báo cho trường học, cơ quan... nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương.
7. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc người nghi ngờ mắc bệnh.
8. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virút như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
9. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm.
10. Tự cách ly, đeo khẩu trang nếu được xác định mắc cúm.