TTO - Ông Đặng Thanh Bình - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN và các đồng phạm với hầu tòa vì thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ông Đặng Thanh Bình - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Hôm nay, 25-6, TAND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN) và các đồng phạm với hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng) với hậu quả làm nhà nước thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng.
Không kiểm tra năng lực tài chính nhóm cổ đông Phạm Công Danh
Theo cáo trạng của VKS, tại NHNN ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.
Kết quả điều tra xác định, vào tháng 8-2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương.
Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này.
Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.
Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.
Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 9000 tỉ đồng.
Cáo trạng kết luận, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luât thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của thành viên tổ giám sát.
Biết sai nhưng không quyết liệt, không đề xuất hướng giải quyết
Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.
Cụ thể, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác…
Tổ giám sát cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước khi chuyển tiền đối với những giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên.
Căn cứ vào tài liệu chứng cứ và kết quả đối chất giữa các bị cáo và đại diện đơn vị có liên quan xác định: Theo quy định tại quyết định số 12 của Thống đốc NHNN về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của tổ giám sát và các bảng phân công công việc của các thành viên tổ giám sát NHNN đặt tại ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín cho thấy:
Việc để Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong ngân hàng Đại Tín được xác định trách nhiệm thuộc về tổ giám sát vì nhiệm vụ trách nhiệm và quyền hạn của tổ giám sát đã được quy định rất rõ trong quyết định số 12 của thống đốc NHNN.
Mặc dù có giám sát đã báo cáo sai phạm của ngân hàng Đại Tín Nhưng trên thực tế các báo cáo này là các báo cáo định kỳ theo quy định báo cáo không rõ các sai phạm và không đề xuất cụ thể biện pháp xử lý.
Tổ giám sát được giao thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ thẩm quyền của mình khi thực hiện nhiệm vụ khí hậu họa xảy ra ở giám sát chỉ tập hợp báo cáo mà không có biện pháp quyết liệt xử lý do vậy đã để phạm công danh và đồng phạm liên tiếp thực hiện các hành vi sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB.
Trong đó, bị cáo Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỉ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỉ đồng, bị cáo Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỉ, bị cáo Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỉ đồng.
Đối với ông Đặng Thanh Bình, kết quả điều tra cho thấy đủ căn cứ kết luận ông Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình thủ tướng chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB.
Từ đó tạo điều kiện cho Phạm Công Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là hàng chục ngàn tỉ đồng bị thất thoát.
Các thành viên tổ giám sát cùng hầu tòa
Ngoài ông Đặng Thanh Bình, VKSND Tối cao còn truy tố các thành viên tổ giám sát của NHNN gồm ông Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân, Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh.
Ông Hà Tấn Phước là tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An.
Ông Phạm Thế Tuân là tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM.
Ông Lê Văn Thanh nguyên là Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An, thành viên tổ giám sát.
Ông Ngô Văn Thanh, thành viên tổ giám sát, nguyên là Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An.