TTO - Sau những trận mưa vừa qua, di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã xuất hiện 15 điểm sạt lở, trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, chủ yếu ở tường thành phía Bắc.
Đoạn tường thành phía Bắc của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, nhiều đoạn tường thành phía Bắc sạt lở nghiêm trọng, làm trượt đổ khoảng 20m3 đất đá xuống đường giao thông ven thành.
Các điểm sạt lở nghiêm trọng đang có nguy cơ lan rộng, vì độ kết dính giữa các tảng đá kém, nền chân móng của công trình bị lún, nứt, ảnh hưởng đến kết cấu di sản. Nguyên nhân sạt lở này ban đầu xác định là do mưa lũ xảy ra những năm qua.
Một điểm sạt lở nghiêm trọng ở tường thành phía Bắc của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tình trạng sạt lở đang làm di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân địa phương và du khách khi tham quan. Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã cắm biển cánh báo khu vực nguy hiểm tại các điểm sạt lở, có nhân viên nhắc du khách tránh chỗ sạt lở.
Ngày 29-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sỹ Đỗ Quang Trọng - giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ - cho biết trung tâm đã mời các chuyên gia, đại diện Cục di sản, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Hội khảo cổ học Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội... để tham vấn ý kiến, tìm biện pháp xử lý toàn diện tại di sản này.
"Trong năm 2018, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ sẽ tu bổ cấp thiết đoạn tường thành bị sạt lở nghiêm trọng; bảo tồn, chống đỡ, gia cố những đoạn tường thành đang bị phình, nghiêng có nguy cơ sạt lở, trượt đổ..." tiến sĩ Đỗ Quang Trọng cho biết.