TTO - Sáng nay (29-5), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Đại sứ Nhật tại VN Umeda Kunio dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về triển vọng quan hệ hai nước.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo chương trình chuyến thăm, tại Nhật Bản, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ tiếp kiến và tổ chức quốc yến long trọng chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhân sự kiện quan trọng này, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về triển vọng quan hệ hai nước.
* Đại sứ đánh giá như thế nào về những tiến triển gần đây trong mối quan hệ Việt - Nhật? Ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm cấp nhà nước Nhật sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang?
- Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ thân thiết và sự tin cậy mạnh mẽ. Hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng.
Năm nay kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật với hơn 100 sự kiện chào mừng diễn ra ở cả hai nước, trong đó chuyến thăm Nhật của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tư cách khách mời cấp nhà nước có thể được xem là sự kiện quan trọng nhất. Năm tới, Nhật hoàng sẽ thoái vị và Chủ tịch nước Trần Đại Quang là khách mời duy nhất mà Nhật hoàng sẽ tiếp đón trong năm nay. Điều đó cho thấy sự coi trọng Việt Nam của Nhật Bản.
Hiện nay, Nhật Bản hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh - quốc phòng, cùng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.
Về hợp tác kinh tế, có thể kể đến các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Ngoài ra, Nhật Bản đang cố gắng giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như nâng cao năng suất lao động và hỗ trợ cải cách hành chính cho Việt Nam.
* Theo ông, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa mới được ký kết mang lại lợi ích gì cho quan hệ đầu tư - thương mại giữa hai nước?
- CPTPP là thành quả quan trọng nhất của mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa hai nước chúng ta. Nhật Bản đánh giá rất cao vai trò và đóng góp của Việt Nam cho việc ký kết hiệp định này. Theo tôi được biết Quốc hội Nhật Bản có thể phê chuẩn hiệp định này vào mùa thu năm nay.
Việc CPTPP sớm có hiệu lực là điều rất quan trọng đối với cả Nhật Bản và Việt Nam vì hiệp định này giúp thúc đẩy thương mại thông qua dỡ bỏ các hàng rào thuế quan. Hiệp định này đề cập rất nhiều lĩnh vực, trong đó có tự do hóa đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và bảo vệ môi trường.
Về lợi ích của CPTPP đối với quan hệ thương mại đầu tư Nhật - Việt, tôi có thể khẳng định rằng hiệp định này có những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cả hai nước. CPTPP có những điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, qua đó có thêm cơ hội kinh doanh.
* Các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam quan tâm đến CPTPP như thế nào?
- Họ rất quan tâm CPTPP vì một khi hiệp định này có hiệu lực, nó sẽ giúp các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp hai nước dễ dàng hơn cũng như giúp lưu chuyển đầu tư, nguồn vốn mạnh mẽ hơn.
Có khoảng 1.800 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam là lớn nhất trong số các nước ASEAN. Một nửa số lượng doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế tạo. Lĩnh vực dịch vụ cũng đang có sự gia tăng doanh nghiệp Nhật. Các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cũng quan tâm các dự án đầu tư tại đây.
* Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 4-2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Onodera Itsunori đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng. Các nội dung hợp tác trong tuyên bố này sẽ được triển khai ra sao?
- Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường các nội dung hợp tác trong tuyên bố này, trong đó có một số nội dung quan trọng như nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình cho Việt Nam, tăng cường năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhật sẽ tiếp tục triển khai các chuyến thăm của các tàu quân sự Nhật đến các cảng biển của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng.
Có 260.000 người Việt ở Nhật
Theo đại sứ Umeda Kunio, thực tập sinh và du học sinh Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng ở Nhật Bản. Số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay lên đến 260.000 người. Những người Việt này thực sự có sự đóng góp cho Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp thách thức già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Tuy nhiên, mặt khác, sự gia tăng người Việt ở Nhật cũng nảy sinh nhiều vấn đề và Nhật Bản mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết các vấn đề này.