TTO - Ông Nguyễn Hoàng Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang - nói nếu hàng nhập lậu được bán đấu giá thì chắc chắn số tiền thu về cho ngân sách nhà nước sẽ tăng gấp nhiều lần.
Xe tải này vừa bị công an huyện Tịnh Biên bắt giữ chiều ngày 16-5 khi đang chở 70 bao đường cát Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chiều 17-5, ông Nguyễn Hoàng Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc sắp tới An Giang sẽ bán đấu giá hàng nhập lậu bị bắt giữ.
Theo ông Vân, kể từ khi Luật Đấu giá có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 đến nay, chính phủ yêu cầu tất cả các mặt hàng lậu bị bắt giữ phải mang ra bán đấu giá theo để tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, tất cả hàng hóa bị bắt giữ không có hóa đơn, chứng từ và là hàng nhập lậu phải sung công quỹ nhà nước.
Nếu hàng không phải hàng mau hư, mau hỏng đều phải mang ra bán đấu giá nhưng tùy theo mặt hàng mà có thời gian lâu hay mau.
Nếu hàng lậu bị lưc lượng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang bắt giữ vắng chủ thì sau khi thông báo vắng chủ sau 30 ngày sẽ có quyết định sung công quỹ. Hoặc hàng đã có quyết định tịch thu thì sẽ thành lập hội đồng định giá rồi mang ra bán đấu giá do Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh An Giang thực hiện công khai.
Cũng theo ông Vân, trong năm 2017, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tiêu hủy 6 đợt thuốc lá nhập lậu, với khoảng 1,6 triệu bao thuốc, trị giá hàng hóa khoảng 16 tỉ đồng. Riêng đường cát Thái Lan nhập lậu do đơn vị bắt giữ được trên 95 tấn, bán chỉ định cho các doanh nghiệp thu về số tiền trên 1,13 tỉ đồng.
“Nếu số đường này đưa ra bán đấu giá thì chắc chắn số tiền thu về cho ngân sách nhà nước có thể gấp 2-3 lần. Dù ngoài thị trường đường cát chỉ có giá 14.000 đồng/kg nhưng mang ra bán đấu giá thì có thể tăng gấp 3 lần giá thị trường. Tuy nhiên, mặt trái của đấu giá là nhóm buôn lậu có thể quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa cho số hàng lậu khác.” - ông Vân nói.
Đây là số gỗ lậu vừa bị lực lượng Biên phòng Tịnh Biên bắt giữ trong xe khách từ Campuchia về Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo 389 - cho biết vài năm trước, An Giang có chủ trương bán hàng lậu chỉ định cho một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ trong tỉnh để bán cho người tiêu dùng, tránh tình trạng nhóm buôn lậu lợi dụng hóa đơn bán đấu giá để quay vòng chống lại lực lượng chức năng.
“Việc bán đấu giá đường cát Thái Lan là để tăng nguồn thu ngân sách. Việc này chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít trong công tác chống buôn lậu thời gian tới nhưng các lực lượng phải làm và làm quyết liệt hơn trên tuyến biên giới. Bằng cách là tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để lợi dụng hóa đơn mà qua mặt lực lượng chức năng.” - ông Nưng nói.