TTO - Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã trục xuất các nhà ngoại giao cấp cao của nhau sau những tranh luận và chỉ trích về việc binh sĩ Israel đã giết hại hơn 60 người Palestine trong cuộc biểu tình ở Dải Gaza ngày 14-5.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố quốc tang 3 ngày vì người dân Palestine - Ảnh: REUTERS
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chỉ trích mạnh mẽ quyết định dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính quyền Ankara đã triệu hồi các đại sứ tại Israel và Mỹ về nước sau lễ khai trương sứ quán Mỹ tại Jerusalem ngày 14-5. Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và trên khắp thế giới sau đó.
Đáp trả lại việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Đại sứ Israel tại Ankara tạm thời về nước do hành động bạo lực của Israel tại biên giới với Dải Gaza, Bộ Ngoại giao Israel ra thông báo đã đề nghị Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem rời khỏi nước này trong một khoảng thời gian không xác định.
"Chiều nay (15-5), Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Israel và được yêu cầu về nước để tham vấn trong một khoảng thời gian nhất định", một đoạn trong thông cáo nêu rõ.
Ít nhất 60 người Palestine thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương trong cuộc biểu tình dọc biên giới Israel - Palestine ở dải Gaza chỉ trong ngày 14-5. Quyết định sử dụng vũ lực cứng rắn, bao gồm cả đạn thật của Israel, đã vấp phải sự quan ngại của nhiều nước trên thế giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi ngày 14-5 là ngày đẫm máu và đau thương nhất của người Palestine sau cuộc xung đột Gaza năm 2014, cáo buộc Israel là một quốc gia khủng bố và tuyên bố quốc tang 3 ngày vì người dân Palestine.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo các quốc gia Hồi giáo nên cân nhắc lại quan hệ với Israel sau những gì nước này đã làm với người Palestine.
Một người biểu tình ủng hộ Palestine cầm biếm họa chỉ trích Mỹ trong cuộc biểu tình ở Buenos Aires, Argentina ngày 15-5 - Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 15-5, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn về xung đột bạo lực giữa Israel và Palestine ở Dải Gaza.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tiếp tục đổ lỗi cho phong trào Hamas của người Palestine, cho rằng đồng minh Israel đã rất kiềm chế trước những hành động khiêu khích của Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
"Không một quốc gia nào trong căn phòng này hành động kiềm chế hơn Israel" trong bối cảnh Phong trào Hamas "kích động bạo lực trong nhiều năm qua, từ rất lâu trước khi Mỹ quyết định chuyển đại sứ quán" từ Tel Aviv đến Jerusalem, bà Haley nhấn mạnh.
Trước thềm cuộc họp của HĐBA, Kuwait, một trong 10 nước thành viên không thường trực của HĐBA, thông báo sẽ thúc đẩy một dự thảo nghị quyết của LHQ nhằm bảo vệ người dân Palestine.
Trao đổi với hãng thông tấn AFP, Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour Al-Otaibi cho biết dự thảo nghị quyết trên nhiều khả năng sẽ được thông qua trong ngày 16-5 nhằm mục đích bảo vệ người dân Palestine cũng như "mang lại sự bảo vệ quốc tế cho thường dân".
Theo giới chức ngoại giao, Mỹ có thể sẽ phủ quyết bất cứ hành động nào của HĐBA liên quan đến xung đột Israel - Palestine.