Kinh tế

'Dù anh Hai đã sai, tôi cũng chưa từng muốn kiện anh ra tòa'

TTO - Đọc xong bài báo 'Đứa em tật nguyền thắng kiện nhưng 'đau, đau... lòng lắm', tôi xót xa và rớt nước mắt. Tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại cạn tình như vậy và nhớ lại câu chuyện của mình.

Dù anh Hai đã sai, tôi cũng chưa từng muốn kiện anh ra tòa - Ảnh 1.

Tôi và anh Hai lớn lên không có cha, năm tôi lên 9 tuổi, anh Hai đã 25 tuổi, mẹ vì bạo bệnh, đột ngột qua đời. Mẹ qua đời, để lại cho anh em một căn nhà nhỏ, cứ tưởng nơi ấy, anh em mồ côi đùm bọc nhau đến ngày tôi lớn lên.

Tuy nhiên, năm đó... anh Hai đã tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để bán đi căn nhà, ôm tiền rồi đi biệt tăm...

Tôi gieo neo, đơn độc, lang bạt khắp nơi, nương tựa vào hết nhà người này, đến nhà người khác mà ở. Ngày ấy, nghĩ chưa tới, tôi hận anh mình lắm, sao lại đối xử tàn nhẫn với đứa em ruột thịt của mình như vậy.

"Cuộc đời này, còn có rất nhiều câu chuyện đau đáu đang nằm ngoài vòng pháp luật, nhưng vì tình mà người ta nén trọn nó cho riêng mình. Vì... ở đâu đó chúng ta là những phận người đáng thương, đang neo bám vào nhau để ôm lấy hạnh phúc thiêng liêng nhất trên cõi đời này, đó là gia đình!"

Phạm Minh Hiền

May mắn, tôi được người mẹ nuôi gieo cho tôi suy nghĩ :"Chắc anh bây nó túng quẫn quá nên mới hành động nông cạn như vậy, sau này, chắc chắn nó sẽ ân hận. Là anh em, hơn thua nhau chi nhiêu đó, mình còn nhỏ, cuộc đời mình còn dài, phải ráng học hành cho giỏi, còn có rất nhiều cơ hội phía trước...".

Đã hơn 20 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi ôm di ảnh và bát hương của mẹ vào chùa để gửi.

Tôi nguyện, sau này con lớn lên, đi làm có tiền, có nhà, con sẽ mang mẹ về với con. Và từ đó, tôi không còn gặp anh mình, nhưng tôi biết rất rõ, bây giờ anh mình đang làm gì và ở đâu, vì... mình vẫn còn một cái nghĩa ruột thịt trên cõi đời này.

Tôi có đủ bằng chứng và chứng cứ để kiện anh mình ra tòa về hành vi đó, kéo theo những sự tiếp tay cho việc anh Hai bán được căn nhà. Nhưng lời dạy của mẹ nuôi năm xưa, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ phải đưa đơn kiện anh mình.

Và cho đến giờ phút này, tôi không còn oán giận anh, dù rằng cuộc đời mình đã đi qua bao nhiêu sóng gió, vì... cái nghĩa của ruột thịt trên cõi đời này.

Đôi lúc, tôi cảm thấy may mắn, vì cuộc đời mình đã rẽ ngang một hướng khác. Nơi đó, tôi được gặp mẹ nuôi, cho tôi sống trong một mái ấm không khác tình yêu ruột thịt.

Tôi gặp được nhiều mảnh tình khác trong xã hội này, đôi lần tôi vấp ngã, rồi đứng lên bởi sự nâng đỡ và bao dung của xã hội. Từ đó, một cậu bé mồ côi, xem xã hội là gia đình...

Bây giờ tôi đã lớn, được ăn học đến nơi đến chốn. Công việc ổn định, đã mua được nhiều thứ riêng cho mình. Sống tử tế với mình, với đời... đó là nhờ biết bao nhiêu ân tình ở bên cạnh mình, đã nuôi dạy mình lớn lên. Những ân tình ấy, không có một chút máu mủ, ruột rà...

Mới đây, tôi tìm đến anh Hai, ngỏ ý mời anh về dùng bữa cơm nhân ngày giỗ mẹ. Đó là cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi và anh sau hơn 20 năm lánh mặt. Anh tôi giờ già lắm, hốc hác lắm, khác với những gì tôi thấy người anh 20 năm về trước.

Anh em tâm sự, hỏi han nhau, rồi anh bắt đầu phân trần chuyện cũ với lời xin lỗi, tôi ngắt lời, chuyện buồn phải cho qua. Bây giờ, anh em đã yên bề, tình người với người trong xã hội còn rất nhiều, huống chi là tình ruột thịt.

Chỉ có vậy thôi, mà anh đã ôm tôi khóc nức nở, sau những năm tháng dài đằng đẵng, lần đầu tiên, tôi nhận được hơi ấm ruột thịt nó ngọt ngào và thiêng liêng nhiều đến như vậy...

Giờ đọc được bài báo "Đứa em tật nguyền thắng kiện nhưng 'đau, đau... lòng lắm". Tôi xót xa và rớt nước mắt trong bài báo này. Tôi đã theo dõi câu chuyện này từ năm 2016. Tôi tự đặt câu hỏi cho riêng mình: Tại sao người ta lại cạn tình như vậy?

Bởi, một khi đã cạn tình, cạn nghĩa, người ta mới dẫn nhau ra tòa. Nơi ấy, cán cân công lý là công bằng nhưng chua xót. Cái chua xót bởi nghĩa của tình ruột thịt, bỗng một ngày vì đất, vì tiền mà đã xem nhau như một người lạ.

Hơn hết, đem cái định nghĩa đúng của riêng mình mà xem tình yêu thương của gia đình là sai, bởi những vật chất tầm thường đã lấn át đi tình yêu ấy. Có ai đó trong số những người đưa đơn đã nghĩ, những gì mua được bằng tiền, đều rất rẻ chưa?

Tôi quặn lòng mình với câu nói của người em tật nguyền đã phải cố gắng lắm người đối diện mới hiểu được, Tùng huơ tay, vẹo miệng, trợn mắt thốt lên: "Em đau, đau… lòng lắm". Sẽ không ít người đọc bài báo này cũng đau lòng và rớt nước mắt với câu nói ấy.

Lý ra, câu chuyện của riêng tôi, tôi sẽ giữ nó mãi, chẳng đẹp đẽ gì một gia đình mà đã đối đãi với nhau như vậy.

Cuộc đời này, còn có rất nhiều câu chuyện đau đáu đang nằm ngoài vòng pháp luật, nhưng vì tình mà người ta nén trọn nó cho riêng mình.

Vì... ở đâu đó chúng ta là những phận người đáng thương, đang neo bám vào nhau để ôm lấy hạnh phúc thiêng liêng nhất trên cõi đời này, đó là gia đình!

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Đứa em tật nguyền thắng kiện nhưng Đứa em tật nguyền thắng kiện nhưng 'đau, đau… lòng lắm'

TTO - Lần thứ 2, "đứa em tật nguyền" bẩm sinh vì chất độc da cam đã thắng kiện vụ 6 anh chị khỏe mạnh kiện chia tài sản nhưng "Em đau, đau... lòng lắm".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,799       310