TTO - Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Nhật, chuyện họ tổ chức nghi thức tang lễ theo truyền thống cho những chú chó robot AIBO từng phục vụ tận tình gia chủ vừa lạ lại vừa quen.
Nhà sư cầu siêu cho chó robot ở ngôi đền 450 năm tuổi của tỉnh Chiba, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, hôm nay (3-5), nhiều con chó robot AIBO do hãng Sony sản xuất được xếp hàng nằm dọc cạnh nhau ở ngôi đền cổ Kofukuji có tuổi đời 450 năm tại vùng Isumi, Nhật Bản.
Người ta xếp những chú chó robot này trong một lễ tang được tổ chức theo nghi thức truyền thống giống như rất nhiều lễ tang khác ở Nhật Bản. Cũng nghi ngút khói hương, cũng có nhà sư tới đọc kinh cầu siêu cho những chú chó robot đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ.
Trong số 114 con chó được tổ chức tang lễ hôm nay, trên mỗi con đều có gắn kèm một thẻ ghi rõ thông tin chúng từng thuộc về gia đình nào, tên là gì, đã phục vụ gia chủ ra sao cùng nhiều chi tiết khác.
Video ghi lại cảnh nhà sư Nhật Bản tổ chức cầu nguyện trong tang lễ theo nghi thức truyền thống cho những chú chó robot AIBO - Nguồn: AFP/YOUTUBE
Tang lễ cho chó robot này là do công ty A FUN, hãng chuyên sửa chữa đồ cũ, tổ chức. Trong những năm qua, họ đã tổ chức tang lễ cho khoảng 800 con chó robot AIBO.
Những con chó đã hỏng và không thể sửa chữa sẽ được tháo rời và tận dụng lại những "nội tạng" còn có thể dùng được. Tuy nhiên trước khi làm việc đó, hãng A FUN sẽ tổ chức tang lễ cho những chú chó này.
"Tôi cảm thấy thanh thản khi biết rằng sẽ có lễ cầu nguyện dành cho nó", một người chủ đã viết như vậy trong bức thư gửi kèm theo con chó robot của họ tới công ty A FUN.
Một người chủ khác viết: "Xin hãy giúp những con AIBO khác. Tôi đã ứa lệ khi quyết định phải nói lời chia tay".
Một nhà sư đang ôm theo một con chó robot sau lễ tang của nó ở đền Kofukuji tại Isumi, tỉnh Chiba, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Nhà sư Bungen Oi ở đền Kofukuji cho rằng "Mọi vật đều có linh hồn", thế nên việc tổ chức một lễ cầu siêu cho những con chó robot là điều cần thiết.
"Chúng tôi muốn trả lại phần linh hồn của chúng cho những người chủ rồi mới tận dụng các bộ phận của chúng cho việc khác. Chúng tôi sẽ không tháo rời chúng trước khi tổ chức tang lễ cho chúng", nhà sư nói.