TTO - 7 chương trình đột phá, đề án đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo và 127 dự án trọng điểm đã được lãnh đạo TP.HCM công bố tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sáng 21-4 để mời gọi đầu tư.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các doanh nhân tại buổi gặp giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại diện các hiệp hội thương mại, hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài cũng bày tỏ sự hào hứng và sẵn sàng cùng với TP.HCM thực hiện các chương trình này.
Hào hứng với các đề án mới
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, cũng là năm TP triển khai xây dựng đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025".
Để mở đường cho xây dựng đô thị thông minh, TP sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo ở phía đông TP nên rất "mong các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án này".
Theo ông John Rockhold, giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), với kinh nghiệm hơn 20 năm trong xây dựng các TP thông minh, các DN Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với TP.HCM.
Hiệp hội đã có một số kết quả hoạt động tại Khánh Hòa như ký bản thỏa thuận ghi nhớ với Microsoft Việt Nam về xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh Nha Trang. Tại Đà Nẵng, các DN Hoa Kỳ cũng đã hoàn thành giai đoạn dự án chính quyền điện tử vào năm 2013.
"Amcham sẵn sàng phối hợp với TP.HCM để xây dựng thành công TP thông minh. Trong tháng 7-2018, sẽ có một đoàn DN Hoa Kỳ đến TP.HCM tìm hiểu cơ hội đầu tư lĩnh vực này", ông John Rockhold cho biết.
Ông Michele D'Erocole, chủ tịch Phòng Thương mại Ý (Icham) tại VN, gợi ý TP.HCM có thể tham khảo mô hình các nước, chẳng hạn như triển lãm Tuần lễ TP thông minh hằng năm tại TP Trento.
"Đến đây các bạn có thể học hỏi tầm nhìn tương lai cũng như các thách thức gặp phải trong xây dựng TP thông minh. Ngoài ra, khi lựa chọn phương án xây dựng phát triển đô thị thông minh, chính quyền TP cần xem xét nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người dân", ông Michele D'Erocole nói.
Theo ông Seck Yee Chung, phó chủ tịch nhóm DN Singapore tại VN, VN đang có những lợi thế phát triển các dự án công nghệ cao nhưng các chính sách, luật chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư ngần ngại hơn. Một số DN cũng lo lắng liệu vấn đề an ninh mạng có được đảm bảo.
Đại diện Eurocham cho rằng có rất nhiều bài toán đặt ra cho TP.HCM, trong đó làm sao kết nối được các nguồn lực FDI để giải quyết một loạt bài toán về giải quyết giao thông, chất lượng sống... VN đã có những quy định, pháp luật cho mô hình đối tác công tư (PPP), nhưng chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư mạnh dạn tham gia.
"Là một TP năng động, sáng tạo nhưng TP.HCM vẫn chịu những khuôn khổ, chính sách chung như các TP khác, nhà đầu tư vẫn chờ những chính sách đột phá", vị này nói.
Cam kết của chính quyền TP
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đóng góp của các DN nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế TP ngày càng tăng lên. Nhưng tác động lan tỏa từ các DN nước ngoài sang các DN trong nước chưa được như kỳ vọng, tỉ lệ chuyển giao công nghệ chưa cao, trong cơ cấu đầu tư vẫn ưu tiên bất động sản, chiếm tới 43% tổng vốn đầu tư.
Ngược lại, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, trên nóng dưới lạnh, trong khi yêu cầu của DN nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với khả năng của TP. Do đó, ông Phong nêu 5 định hướng lớn của chính quyền TP đối với các DN nước ngoài.
Trước hết là đảm bảo ổn định nhất quán các cơ chế chính sách đã đề ra, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; phấn đấu tỉ lệ DN kê khai thuế điện tử 98%, tỉ lệ DN nộp thuế điện tử đạt trên 90%; giảm 50% thời gian tiếp nhận kiểm tra hồ sơ hải quan, giảm 50% thời gian tiếp nhận kiểm tra thực tế hàng hóa; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống 14 ngày với các tổ chức và DN.
Đặc biệt, TP sẽ họp tổ công tác liên ngành đầu tư ngay khi dự án đầu tư vào TP. "Đây là tổ công tác đặc biệt của TP do chính tôi làm tổ trưởng, là mô hình đầu tiên cả nước và chưa có tiền lệ trước nay", ông Phong khẳng định.
Tổ công tác này có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho DN cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động. DN chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại tổ công tác mà không cần nộp ở bất kỳ nơi nào. Tổ công tác đặt mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian so với quy định.
TP sẽ lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho DN, nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn là xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phát sinh thêm; dự kiến thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.
"Quan điểm xuyên suốt của TP là mọi DN đều bình đẳng trước pháp luật, cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Công tác thanh tra, kiểm tra lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra một lần trong năm", ông Phong nhấn mạnh.
Sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao
Theo ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở KH-ĐT, TP đang tiến hành rà soát lại từ quy hoạch quỹ đất đến cơ cấu ngành với mong muốn thu hút các dự án công nghệ cao, xây dựng thành phố thông minh. Đến nay TP.HCM đang có 190 dự án kêu gọi tập trung vào mục tiêu phát triển này.
Trong năm 2017, TP.HCM thu hút được khoảng 6,6 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng hơn 90% so với con số 3,46 tỉ USD của năm 2016, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước (năm 2016 là 13%).