TTO - Được mô tả như một 'hòn đảo' trên bầu trời, núi Roraima ở Venezuela mang dáng vẻ huyền bí và là ngọn núi cổ xưa nhất trên thế giới.
Nằm giữa biên giới của ba quốc gia, Roraima là ngọn núi cao nhất dãy Pakaraima, thuộc địa phận Vườn quốc gia Canaima, Venezuela.
Ngọn núi nằm trên biên giới của cả ba quốc gia là Venezuela, Guyana và Brazil.
Roraima còn được gọi là Tepuy Roraima, Cerro Roraima hay "tepui" trong ngôn ngữ địa phương, ngọn núi đỉnh bằng này hiện lên như thể được chạm trổ từ một tảng đá nguyên khối, với vách núi dựng đứng cao khoảng 400m.
Điểm cao nhất của Roraima là 2.810m so với mực nước biển (nằm trong lãnh thổ Brazil), trong khi bình nguyên trên đỉnh núi có diện tích khoảng 30km2, nằm ở độ cao 2.338m.
Được mô tả như một "hòn đảo" trên bầu trời, Roraima mang trong mình dáng vẻ huyền bí và cổ xưa nhất trên thế giới. Ngọn núi là nơi có nền địa chất lâu đời nhất, niên đại vào khoảng 2 tỷ năm trước.
Ngọn núi này được cho là những gì còn sót lại của cao nguyên bằng đá sa thạch lớn nằm phía bắc của lưu vực sông Amazon và Orinoco, là kết quả của những thay đổi bề mặt của Trái đất khi các lục địa trôi dạt cách đây vài tỷ năm và Nam Mỹ bị tách khỏi Tây Phi.
Roraima được nhà thám hiểm người Anh, Sir Walter Raleigh mô tả lần đầu trong chuyến thám hiểm năm 1.595 để tìm kiếm thành phố vàng huyền thoại của El Dorado, nhưng ông không thể leo lên đến đỉnh.
Ngọn núi chính thức được biết đến rộng rãi khi Arthur Conan Doyle lấy nơi đây làm nguồn cảm hứng để viết cuốn tiểu thuyết viễn tưởng "The Lost World" xuất bản năm 1912.
Vào năm 2003, các nhà khoa học đã khám phá ra trong lòng núi Roraima phía Venezuela hệ thống hang động "Cueva Ojos de Cristal", dài gần 11km và sâu 72m.
Phần cao nhất của núi Roraima hầu như luôn luôn được bao phủ bởi những đám mây trắng và sương mù tạo cho nó một vẻ huyền bí và diệu kỳ.
Roraima là một nơi vô cùng linh thiêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân bản địa trước khi những người châu Âu tới thám hiểm.
Trong tiếng của người Pémon thì "tepui" có nghĩa là "ngôi nhà của các vị thần" và được gắn với phần lớn truyền thuyết của người dân địa phương.
Vào tháng 12/1884, Sir Edvard im Thurn là người đầu tiên chinh phục đỉnh Roraima, theo con đường độc đạo mà người bản xứ Pémon từng sử dụng và vẫn được những nhà leo núi sử dụng đến tận ngày nay.
Trong những năm trở lại đây, nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch Venezuela, hàng năm có hàng nghìn người đổ về đây để chinh phục núi Roraima.
Núi Roraima nằm gần thị trấn Saint Elena de Uairén và San Francisco de Yuraní (Kumarakapay) của Venezuela, hầu hết các chuyến thám hiểm đều được bắt đầu từ đây.
Du khách có thể thuê người dẫn đường bản địa hoặc tham gia các nhóm thám hiểm để chinh phục ngọn núi.
Nếu khá giả, du khách có thể thuê máy bay trực thăng để lên đỉnh núi một cách nhanh chóng nhất.
Hành trình leo núi Roraima không hề "nhàn nhã" chút nào. Du khách cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết vì phải mất tới hai ngày để lên đến đỉnh và hai ngày nữa để trở lại.
Đối với những vận động viên và người leo núi có nhiều kinh nghiệm thường lựa chọn chinh phục Roraima từ phía Guyana và Brazil, vì lối đì này có độ khó cao hơn.
Thời điểm chinh phục Roraima lý tưởng nhất là vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng Tư). Tuy gọi là mùa khô, nhưng khí hậu ở Roraima không hề "khô" chút nào, thời tiết thay đổi rất nhanh, mưa nhiều, nhiệt độ thấp và luôn có sương mù bao phủ.
Trên đỉnh núi là nơi sinh sống của rất nhiều loài động thực vật, 35% trong số đó là loài đặc hữu chỉ có ở Roraima. Rất nhiều loài thực vật được tìm thấy trên núi bao gồm hoa lan, cây họ dứa (bromeliaceae), và thực vật ăn thịt. Động vật và côn trùng tìm thấy trên núi bao gồm nhện thuộc họ Theraphosidae, cóc Roraima, và trên 300 loài chim.
Núi Roraima và đỉnh núi của nó thực sự là một "thế giới bị mất" và cô lập hoàn toàn so với phần còn lại, nơi mà mọi thứ dường như không thay đổi nhiều trong suốt hàng triệu năm qua.