Kinh tế

Nghi vấn trình duyệt Cốc Cốc lấy thông tin người dùng

TTO - Cư dân mạng đang bàn tán khá sôi nổi về nghi vấn trình duyệt Cốc Cốc của một doanh nghiệp trong nước thu thập thông tin người dùng, trong đó có thông tin tài khoản Facebook.

Nghi vấn trình duyệt Cốc Cốc lấy thông tin người dùng - Ảnh 1.

Thông tin người dùng là "mỏ vàng" trong thời đại internet. - Ảnh: CYGNIS

Câu chuyện bắt đầu bằng việc thành viên một diễn đàn về Marketing đăng bài nghi vấn về việc Cốc Cốc thu thập tên đăng nhập, mật khẩu của người dùng mạng xã hội Facebook. 

Mặc dù sau đó, thành viên này đã đính chính và xin lỗi về vụ việc nhưng nhiều cư dân mạng khác vẫn không khỏi những hoài nghi.

Nhiều nghi vấn

Sự việc được tóm tắt như sau: ngày 15-4 tài khoản một người dùng Facebook có tên Trần Văn Hòa đưa thông tin lên một diễn đàn về marketing (Search Engines Marketing Việt Nam - SEM) trong đó đặt câu hỏi có hay không việc trình duyệt Cốc Cốc thu thập tên đăng nhập, mật khẩu của người dùng Facebook.

Tuy nhiên, một ngày sau khi đăng tải thông tin trên, Trần Văn Hòa đã lên tiếng đính chính và xin lỗi về vụ việc. Thành viên này cũng đã thông tin lại cho biết có sự hiểu lầm xuất phát từ xung đột giữa tính năng kiểm tra lỗi chính tả của Cốc Cốc và tiện ích (add-on) Ninja Fast Login Facebook (do nhóm của Trần Văn Hòa phát triển).

Thành viên Trần Văn Hòa cũng cho biết đã nhận ra sai sót của mình trong quá trình kiểm tra nên đã xóa các bài viết để tránh những hiểu lầm.

Tuy nhiên, đến ngày 16-4 một thành viên của diễn đàn an ninh mạng WhiteHat.vn lại công bố thông tin cho rằng các nội dung người dùng gõ trên trình duyệt Cốc Cốc đều được gửi về máy chủ của trình duyệt này.

Chủ đề này được các thành viên thảo luận khác sôi nổi với nhiều nghi vấn từ phía các thành viên đại diện cho người sử dụng và các lời giải thích của thành viên đại diện cho Cốc Cốc.

Cốc Cốc nói không

Chiều ngày 17-4, trả lời các thắc mắc của truyền thông, ông Hiếu Phan, Trưởng nhóm phát triển Trình duyệt Cốc Cốc, cho biết: “Cốc Cốc khẳng định không thu thập thông tin tài khoản Facebook cũng như bất cứ thông tin cá nhân nào của người dùng”.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: “Cốc Cốc cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về sự riêng tư và đạo đức kinh doanh của người dùng. Cốc Cốc sử dụng dữ liệu ẩn danh hoàn toàn về hành vi của người dùng trên internet để cải tiến thuật toán tìm kiếm, giao diện... như phần lớn các công ty công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang sử dụng hiện”.

Riêng về nghi vấn “các nội dung người dùng gõ trên trình duyệt Cốc Cốc đều được gửi về máy chủ của Cốc Cốc” được các thành viên đưa lên diễn đàn WhiteHat.vn, vị đại diện Cốc Cốc giải thích rằng: “Để phục vụ cho tính năng kiểm tra chính tả, thêm dấu Cốc Cốc bắt buộc phải gửi những gì người dùng vào các trường văn bản (text field) lên máy chủ.  

Theo đó, máy chủ sẽ kiểm tra và trả kết quả gợi ý trở lại cho trình duyệt. “Tất cả dữ liệu gửi lên là vô danh (anonymous). Cốc Cốc không thể biết chính xác ai đã gửi dữ liệu lên. Các dữ liệu này cũng chỉ được lưu trữ tạm thời để sửa lỗi và cải thiện chất lượng dữ liệu. Đấy là thiết kế bình thường cho bất cứ một dịch vụ trực tuyến (online service) nào”, ông Hiếu Phan cho biết.

Đại diện Cốc Cốc cũng khẳng định tính năng này không hoạt động với ô nhập liệu mật khẩu của người dùng. "Do vậy không có việc thông tin mật khẩu người dùng được gửi về máy chủ của Cốc Cốc", ông Hiếu cho biết. Cũng theo ông Hiếu tất cả các dữ liệu này đều được mã hoá nên dữ liệu của người dùng hoàn toàn được đảm bảo.

Giải thích thêm về tính năng kiểm tra chính tả, đại diện Cốc Cốc cho biết đây là tính năng giúp người dùng tăng hiệu quả gõ văn bản trên môi trường mạng. 

Cụ thể, khi người dùng bình luận trên Facebook hoặc gõ văn bản trên bất cứ cửa sổ soạn thảo văn bản trực tuyến nào bằng tiếng Việt không dấu, trình duyệt Cốc Cốc sẽ tự động điền đấu tiếng Việt có dấu với độ chính xác gần 100%. Tính năng này ước tính sẽ giúp giảm bớt 20% thời gian gõ văn bản.

"Ngoài ra, tính năng này cũng cho phép phát hiện những lỗi chính tả và đưa ra gợi ý sửa lỗi giúp người dùng có được văn bản tốt nhất", đại diện Cốc Cốc cho biết.

Người dùng cần chung tay bảo vệ mình!

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia an ninh mạng (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc những người dùng am hiểu về an ninh mạng cùng đưa ra những nghi vấn về việc thu thập thông tin người dùng như trong trường hợp của trình duyệt Cốc Cốc là cần thiết.

Phía Cốc Cốc cũng thể hiện sự thiện chí và phản hồi lại ý kiến của cộng đồng mạng rất nhanh. Tuy nhiên, vụ việc chủ yếu là nghi vấn phía người dùng chứ họ chưa thật sự có bằng chứng thuyết phục.

Phía Cốc Cốc cũng có giải thích cụ thể các nghi vấn, đồng thời có cam kết không thu thập thông tin người dùng nên tạm thời chúng ta hãy cứ tin Cốc Cốc đang làm đúng.

“Nhưng tôi phải khẳng định một lần nữa là việc người dùng cùng chung tay đưa ra nghi vấn, phân tích các vấn đề liên quan đến việc sử dụng thông tin của họ là rất cần thiết và nên phát huy mạnh".

"Tất nhiên việc làm này phải xuất phát với động cơ bảo vệ thông tin của người dùng - vốn là một “mỏ vàng” lợi nhuận với các nhà cung cấp dịch vụ trên nền internet trong thế giới hiện đại - chứ không phải với động cơ thương mại, cạnh tranh không lành mạnh".

"Chính sự chung tay của cộng đồng mới có thể phanh phui được những “chiêu thức” sử dụng thông tin người dùng của các doanh nghiệp. Khi cả cộng đồng người dùng chung tay, thì đến ngay cả “gã khổng lồ” như Facebook - trong vụ bê bối dữ liệu vừa qua - cũng phải lộ “chân tướng” của mình huống chi các doanh nghiệp nhỏ hơn khác - nếu họ có dã tâm”, vị chuyên gia cho biết.

CEO Facebook Zuckerberg khai gì về vụ lộ thông tin người dùng?

TTO – Lần đầu tiên, giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối lớn nhất lịch sử 14 năm của mạng xã hội này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        236,697       468