TTO - Trong hàng loạt khách sạn ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị đình chỉ hoạt động, có rất nhiều khách sạn không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng các khách sạn này vẫn đón khách bình thường.
Khách sạn Venue và khách sạn Sun City tại hẻm Tôn Đản, TP Nha Trang đều bị xếp trong danh sách không đảm bảo an toàn về PCCC - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Trưa 14-4, phóng viên Tuổi Trẻ đến những khu vực khách sạn nằm trong danh sách "17 cơ sở không đảm bảo các điều kiện kinh doanh lưu trú vẫn đang hoạt động đón khách".
Trong số đó có nhiều khách sạn "ba không" (không đảm bảo an toàn PCCC, không đủ điều kiện an ninh trật tự, không chấp hành khắc phục vi phạm) vẫn tiếp đón du khách như không có gì xảy ra.
Thực sự là các sở chuyên ngành và các cơ quan liên quan có lúng túng. Bởi quy định pháp luật để xử lý những khách sạn vi phạm về PCCC hiện nay lại không có quy định nào cho thực hiện cưỡng chế
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa TRẦN SƠN HẢI
Bớt xén hạng mục công trình
Theo Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa, trong 31 khách sạn không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú mà UBND TP Nha Trang kiến nghị tỉnh chỉ đạo xử lý từ tháng 10-2017, vẫn còn 13 khách sạn, khu du lịch chưa được nghiệm thu về PCCC.
Hầu hết các khách sạn này đều có diện tích mặt bằng nhỏ nhưng được cấp phép, cho xây dựng từ hơn 10 tầng đến gần 20 tầng, chưa kể tầng hầm.
Theo đại tá Võ Văn Dũng - phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa: "Sai phạm chủ yếu của các chủ khách sạn bớt xén các hạng mục công trình về PCCC khi xây dựng. Như làm trái thiết kế, giấy phép xây dựng được cấp để tăng diện tích, số phòng kinh doanh.
Có khách sạn xén bớt diện tích cầu thang bộ hoặc bỏ luôn cầu thang bộ, cầu thang chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn".
Hiện có bốn cơ sở trong 13 khách sạn vi phạm đang khắc phục, hoàn tất hồ sơ để được nghiệm thu về PCCC hoặc chuyển đổi công năng hoạt động.
"Số còn lại thì "bó tay", do xây hết diện tích đất, không có cách nào có thể thay đổi được" - đại tá Dũng nói.
Ngoài các kiểu vi phạm nêu trên, theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, còn có nhiều khách sạn xây sai thiết kế để nâng thêm tầng bằng cách xén bỏ thang máy chữa cháy, các giải pháp hút khói, tạo áp thì không đảm bảo.
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa còn báo cáo là đa số các trường hợp khách sạn không đảm bảo về PCCC đều vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Theo một lãnh đạo cấp sở của Khánh Hòa, "công trình khi xây xong từ phần móng trở lên được các cơ quan quản lý xây dựng kiểm tra chặt chẽ từng hạng mục. Vậy mà chẳng hiểu sao những khách sạn vi phạm, xây sai giấy phép, bớt xén các hạng mục PCCC vẫn được để trót lọt, hoàn công, đưa vào hoạt động kinh doanh như không hề có chuyện gì".
Các khách sạn "cháy không đường chạy" này lại còn được gắn cả "1 sao, 2 sao". "Chẳng biết đó là sao giả hay sao thật. Các sao ấy được công nhận theo kiểu gì, đường nào?" - vị cán bộ nêu nghi vấn.
Buông lỏng hay "nghẹn" với sai phạm?
Trước tình trạng hàng loạt khách sạn vi phạm quy định pháp luật về PCCC, nhiều người băn khoăn có phải cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa làm ngơ, buông lỏng hay "bị nghẹn" trong việc quản lý?
Đại tá Dũng nói: "Theo các quy định về lĩnh vực PCCC hiện hành, cơ quan cảnh sát PCCC không còn có thẩm quyền vào kiểm tra về PCCC các công trình khi đang thi công như trước đây nữa. Cảnh sát PCCC chỉ thẩm định về phương án, thiết kế PCCC.
Đến khi xây dựng xong chủ công trình thông báo thì mới vào kiểm tra, nghiệm thu về PCCC của công trình đó".
Việc kiểm tra, xử lý trong quá trình xây dựng công trình, kể cả về PCCC, là thuộc các cơ quan quản lý, thanh tra xây dựng. Trong quy định xử lý vi phạm hành chính hiện nay cũng không có quy định về biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC.
Đây chính là lý do khiến nhiều khách sạn vi phạm về PCCC khi bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, chủ doanh nghiệp chỉ nộp tiền phạt nhưng không khắc phục sai phạm.
Đối với các khách sạn bị đình chỉ hoạt động, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa báo cáo là sở có thông báo cho các doanh nghiệp lữ hành biết để không đưa khách đến. Nhưng do số lượng các doanh nghiệp lữ hành đông, các đơn vị đưa khách liên tục thay đổi nên khó thực hiện.
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết UBND tỉnh có ban hành quy chế phối hợp để quản lý đối với các doanh nghiệp trên địa bàn sau đăng ký kinh doanh.
Theo đó, "UBND cấp huyện, TP được giao chức năng quản lý, chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc hoặc UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi hoạt động của doanh nghiệp bị yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện".
Nếu các khách sạn vi phạm bị đình chỉ hoạt động thì các cơ quan của địa phương và công an có quyền không tiếp nhận đăng ký lưu trú, kiểm tra trường hợp vi phạm.
Theo quy chế phối hợp này, một trong các biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp được UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện là công khai đầy đủ thông tin về cơ sở, doanh nghiệp vi phạm và hành vi vi phạm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo giao Sở Du lịch tỉnh công khai các khách sạn vi phạm quy định về PCCC, về an ninh trật tự.
Thế nhưng đến nay người dân, du khách vẫn không tìm được danh sách các "khách sạn cháy không đường chạy" ngay trên trang thông tin của chính Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa.
Đề nghị cho phép giảm bớt quy định về PCCC
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa tham mưu cho UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Xây dựng "đề nghị cho phép giảm bớt một số quy định về PCCC đối với các khách sạn có diện tích nhỏ hơn 300m2 như: cho phép chỉ bố trí 1 cầu thang bộ và thang chữa cháy ngoài nhà loại P1 (thang thẳng đứng), đồng thời tăng cường các giải pháp về hút khói, tạo áp cho công trình; đề nghị không thi công khoang đệm trước lối vào thang máy chữa cháy...".
Các đề nghị đó không nhận được phản hồi từ hai bộ.