TTO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu những con số cho thấy sự phát triển ấn tượng của sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hệ thống quản lý lạc hậu vẫn hiển hiện ở chỗ hết cứu lợn, cứu gà đến cứu khoai tây, su hào.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án Luật trồng trọt, Luật chăn nuôi - ảnh: Quochoi.vn
Ngành chăn nuôi đã thực sự thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp. Tuy vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn nuôi chưa bao quát, điều chỉnh hết các hành vi có trong thực tế sản xuất, kinh doanh; một số quy định không còn phù hợp với các đạo luật mới và với thông lệ quốc tế
Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG
Ngày 13-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bộ đôi Luật trồng trọt, Luật chăn nuôi, với kỳ vọng thúc đẩy sản xuất lớn và bền vững cho ngành nông nghiệp.
Phát triển ấn tượng
Ông Cường cho biết sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỉ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt 18,96 tỉ USD, 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỉ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có thay đổi cơ bản.
Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.
"Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 lên đến 800.000 tấn.
Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4 - 4,5 tỉ quả thì năm 2016 đã tăng lên trên 9 tỷ quả" - Bộ trưởng Cường nêu các con số.
Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, từ chủ yếu là sử dụng thức ăn đơn, phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng, đến nay, cơ bản đã sử dụng thức ăn công nghiệp ăn trực tiếp và Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp rất lớn với sản lượng năm 2016 đạt trên 20 triệu tấn (năm 2005 đạt 5 triệu tấn).
"Phải quy hoạch thế nào cho nông dân đỡ khổ đi!"
Hiện tượng trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng (tức nuôi, trồng riêng để ăn và để bán) vẫn diễn ra để rồi năm nào cũng phải giải cứu lợn, củ cải, dưa hấu… Vậy phải làm sao để khắc phục tình trạng này?
Trưởng ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI
Những chuyển biến trong nông nghiệp, theo Bộ trưởng Cường là đã làm xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.
"Lực lượng sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đang phát triển nhanh, từng bước chuyển sang nền sản xuất hàng hóa tập trung theo định hướng thị trường, trong khi quan hệ sản xuất còn chậm được thay đổi" - ông nói.
Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải ban hành các dự luật trên, đồng thời bày tỏ băn khoăn là liệu sự ra đời của các đạo luật quan trọng này có chấm dứt được những tồn tại, hạn chế, bức xúc bấy lâu của ngành nông nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: "Trong dự thảo luật thì có bao nhiêu quy định về cấp phép? Liệu có đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực này không? Và luật này ban hành ra thì có khắc phục được những tồn tại, yếu kém trong quản lý phân bón trong thời gian vừa qua không?".
"Làm sao để đời sống nhân dân ổn định, tránh tình trạng cứ trồng cây rồi lại chặt bỏ, năm nào cũng thấy hiện tượng được mùa mất giá. Lúc thì cứu lợn, lúc cứu gà, lúc cứu khoai tây, lúc cứu su hào… Thông tin thị trường của ta phải làm sao, quy hoạch thế nào cho nông dân đỡ khổ đi!" - Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề.
"Phúc đáp" các câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định các dự án luật được xây dựng trên nền tảng các pháp lệnh hiện hành, đồng thời nhiều vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp như nước, thuốc trừ sâu đang được quy định trong các luật khác.
Do đó, hai dự luật này không điều chỉnh được tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp.
Ban soạn thảo đã cố gắng rà soát hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định mới phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về sản xuất hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó định hình nền sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị, bền vững.
Quốc hội sẽ thảo luận lần đầu về hai dự luật nêu trên tại kỳ họp giữa năm 2018.