TTO - Sự việc nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành không phải trường hợp đầu tiên xảy ra. Những "người lớn" nghĩ gì về chuyện này?
Thư tuyệt mệnh của nữ sinh ở Bình Dương gửi bố mẹ
Đầu tháng 1-2018, một nữ sinh được đánh giá là ngoan, hiền, học giỏi ở Hà Tĩnh đã tự tử vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kết quả như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
Con xin lỗi vì không hoàn thành ước mơ của bố mẹ
Cuối năm 2017, một nam sinh ở TP.HCM tự tử vì bị điểm 3 môn tiếng Anh trong khi em có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường.
Và chắc dư luận vẫn chưa quên vụ việc nữ sinh ở Bình Dương nhảy xuống đập nước tự tử hồi cuối năm 2015. Cô gái đã để lại 5 bức thư tuyệt mệnh cho bố mẹ và người thân.
Lá thư của em gửi bố mẹ có đoạn:
"Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần.
Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con vẫn luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn.
......
Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu truờng công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả..."
Ép học?
"Mới lớp 3 bố mẹ đã cho con đi học luyện thi để thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đến nay con đã học luyện thi được gần 3 năm. Thật ra, con cũng không thích Trường Trần Đại Nghĩa".
"Con rất mệt, con thèm ngủ hơn là học, tại mẹ ép nên con phải đi học thôi" - H.N, học sinh lớp 5 một trường tiểu học công lập ở TP.HCM đã tâm sự với chúng tôi như thế trong lúc chờ mẹ đến đón.
Mỗi tuần, N. học thêm ở trung tâm 2 buổi tối từ 18-20h trong khi em đã học chính khóa ở trường tiểu học từ 7h15-16h45.
Cuối tuần, em học thêm hai ca vào thứ 7 và chủ nhật: ca 1 học buổi sáng môn tiếng Anh, ca 4 học vào cuối giờ chiều môn toán để rèn thêm vì mẹ em cho rằng: đề thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là đề thi tiếng Anh, trong đó có những câu hỏi về toán rất khó.
Trong khi đó, con bà lại yếu môn toán.
Tương tự, một giáo viên Trường THCS trên địa bàn quận 1 kể: "Tôi rất bất ngờ khi học sinh đưa cho tôi 1 lá thư, nói rằng con tha thiết nhờ cô hãy nói chuyện với mẹ giúp con. Rằng con không thích vào lớp chuyên Anh và con cũng không thích vào lớp 10 ngôi trường mà mẹ đã chọn.
Mấy hôm nay con rất đuối. Trưa chủ nhật nắng chang chang, trong khi các bạn cùng lớp với con được ngủ trưa thì mẹ kéo con ra xe chở đến nhà cô giáo học thêm để luyện thi vào lớp chuyên Anh".
"Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con mình học giỏi, đậu vào trường tốt. Nhưng đừng ép các em phải học hành quá nhiều. Chỉ học theo yêu cầu của thầy cô giáo bộ môn hiện cũng đã quá tải lắm rồi vì chương trình rất nặng. Trong khi các em phải học đến 11 môn" - giáo viên này cho biết.
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, phân tích: Cha mẹ thường suy nghĩ gây áp lực cho con cái trong vấn đề học tập, nhất là gây sức ép con học phải thi đỗ đạt và học trường cao cấp, trường chuyên, xếp loại nhất nhì để mà có nhiều lợi thế sau này.
Các con khi đã lớn rồi thì cha mẹ nên giảm bớt trách nhiệm lên con để con tự học hành và tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Nếu cha mẹ gặp khó khăn có thể tìm bạn bè, người thân trong gia đình, hoặc những ai đã nuôi con qua giai đoạn đèn sách để chia sẻ và nghĩ thoáng hơn trong vấn đề học tập, chọn trường chọn lớp của con
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy
Nhưng ẩn đằng sau câu chuyện đó là chính cha mẹ không tin ở bản thân mình, nên mới lấy niềm tin, mơ ước đặt lên con và con phải làm thay cha mẹ.
Cha mẹ Việt Nam mang nhiều lo lắng kỳ vọng ở con nên họ thúc đẩy con đạt tới để họ yên tâm, nhưng nói trắng ra là cha mẹ vì chính bản thân mình để được yên tâm chứ không phải lo cho con.
Hơn nữa, bắt nguồn từ cái nhìn, cái tư duy kiểu phân loại xã hội, nếu con được vào trường chuyên, trường điểm, lớp chọn, đỗ đạt cao thì sẽ được tôn trọng hơn, được đánh giá cao hơn những trường thường, lớp không chuyên, trường dân lập, tư thục.
"Đó là suy nghĩ nguy hiểm và gây hại vô cùng, khó mà có thể thay đổi" - chuyên gia Ngô Minh Uy cho biết.