TTO - Ngày 11-4, Bộ GD-ĐT phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều trường ĐH trên cả nước.
Các kỹ sư phòng thí nghiệm công nghệ nano ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018, ĐH này ở vị trí 142 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quyết tâm đưa giáo dục ĐH Việt Nam vào "cuộc chơi toàn cầu" của các bảng xếp hạng uy tín, chứ "không thể một mình một sân mãi".
Bộ trưởng Nhạ đã giao cho GS Nguyễn Hữu Đức - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - chủ trì nghiên cứu vấn đề này trong một năm qua.
"Trắng về xếp hạng"
Ông Nhạ thừa nhận trong một thời gian dài, nhiều trường ĐH được thành lập. Với một quốc gia có 94-95 triệu dân, số lượng đó không đáng ngại, song nếu xét về chất lượng cụ thể lại rất đáng ngại. Trong đó nhiều trường không ra trường, mà nói như nhiều người là chất lượng còn "vàng thau lẫn lộn". Đặc biệt vào mùa tuyển sinh, trường nào cũng ra sức ca ngợi trường mình tốt khiến bộ rất vất vả kiểm soát về chất lượng...
Thậm chí một số chương trình được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, nhưng vẫn còn "khoảng tối không minh bạch về chất lượng". Ông Nhạ cũng nói điều ông lo lắng là nhiều trường ĐH suốt ngày lo bài toán đào tạo, tuyển sinh, xoay xở với cơm áo gạo tiền. Đáng lẽ với trường ĐH, nghiên cứu và đào tạo là hai chân song hành, thậm chí nghiên cứu phải là chân phải được coi trọng hơn. "Nhưng nhiều trường chân phải trọng tâm lại lùi phía sau..." - ông Nhạ thừa nhận.
Đánh giá vị thế các trường ĐH Việt Nam trong những bảng xếp hạng uy tín thế giới, ông Nhạ cho rằng các nước đã có nền tảng đáng kể nhưng "chúng ta vẫn gần như trắng về xếp hạng". Theo ông Nhạ, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế các trường ĐH là phải tham gia xếp hạng minh bạch, tiếp cận theo chuẩn quốc tế. Hiện tại, sự xuất hiện của một vài trường trong bảng xếp hạng QS vẫn mang tính đơn lẻ "mạnh trường nào trường đấy làm", nên cần có chương trình quốc gia căn cơ hơn để nhiều trường tham gia xếp hạng hơn.
Nên theo bảng xếp hạng nào?
GS Nguyễn Hữu Đức trình bày kết quả nghiên cứu đối sánh các chỉ số xếp hạng và đề xuất giải pháp cho các ĐH Việt Nam tham gia bảng xếp hạng QS. Bởi lẽ một số bảng xếp hạng khác chưa thực sự phù hợp với điều kiện hiện có của Việt Nam.
Ví dụ, bảng xếp hạng ARWU (từ năm 2003) của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải quan tâm nhiều đến các tiêu chí đánh giá các nghiên cứu trình độ cao (giải thưởng Nobel, bài báo trên Nature, Science...). Bảng xếp hạng THE (từ năm 2010) "hình như là văn hóa của châu Âu và các nước đang phát triển". Họ quan tâm đến cả tài trợ của doanh nghiệp và cựu sinh viên cho các hoạt động nghiên cứu. Những tiêu chí này chưa phù hợp lắm với số đông các trường ĐH của châu Á và các khu vực đang phát triển.
Trong khi đó, theo ông Đức, QS lấy hoạt động đào tạo và sự thừa nhận của cộng đồng đối với thương hiệu một trường ĐH làm tiêu chí đánh giá chủ yếu "là một lựa chọn hợp lý". Một số trường đồng thuận lựa chọn này vì cho rằng đây là bảng xếp hạng "vừa sức". Nếu lựa chọn các bảng xếp hạng khác thì "còn lâu ĐH của Việt Nam mới được xướng tên".
Dù được định hướng để lựa chọn QS, nhưng nhiều ý kiến cho rằng bộ nên cân nhắc để xây dựng bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào bảng xếp hạng quốc tế. PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng thế giới có nhiều bảng xếp hạng nhưng tiêu chí cơ bản tương tự nhau, chỉ có trọng số là khác nhau. Vì vậy, nên dựa vào các bảng xếp hạng đó - ví dụ như dựa vào QS - để xây dựng các tiêu chí xếp hạng với trường ĐH Việt Nam cho từng giai đoạn.
Còn TS Lê Văn Út - trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng - dù ủng hộ việc tham gia bảng xếp hạng nhưng vẫn khuyến cáo ngược lại Bộ GD-ĐT phải "xem xét cẩn thận" trong lựa chọn tổ chức xếp hạng.
Bởi lẽ xếp hạng của QS có 50% phụ thuộc vào đề xuất, chứ không phải khảo sát. Trong đó Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng được QS mời đề xuất các trường ĐH uy tín. Việc đề xuất từ cơ sở đào tạo hay các chuyên gia khác nhau như vậy "mang tính chủ quan, không đồng đều". Việc "nâng cao chất lượng là bài toán khó" gồm cả nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế mà "chỉ dựa vào vài phút đề xuất của chuyên gia thì không ổn".
"Gần đây, QS xúc tiến mời các trường tham gia hội thảo liên tục. Muốn tham gia hội thảo sẽ phải đóng rất nhiều tiền. Như vậy, về hình thức tham gia xếp hạng là không mất phí, nhưng đằng sau nó lại mang tính thương mại. Bộ phải cảnh giác về việc này" - ông Út nhấn mạnh.
Không có tên trong 350 ĐH tốt nhất châu Á
Theo Bộ trưởng Nhạ, dù có gần 300 trường ĐH nhưng năm 2017 Việt Nam không có trường ĐH nào xuất hiện trong danh sách 350 trường ĐH tốt nhất châu Á theo xếp hạng của thời báo Times Higher Education. Còn trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018, Việt Nam có 5 trường ĐH xuất hiện (dẫn đầu là ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 139, ĐH Quốc gia TP.HCM ở vị trí 142, tiếp đến là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ và ĐH Huế).