Kinh tế

Ban quản trị là 'vua' chung cư?

TTO - Không chỉ giữa cư dân với nhau, trong chung cư còn xảy ra đủ chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong hành xử giữa ban quản trị - chủ đầu tư - cư dân. Âm ỉ lâu ngày, những mâu thuẫn càng trở nên gay gắt, bất ổn.

Ban quản trị là vua chung cư? - Ảnh 1.

Đối thoại là cách để các bên trong chung cư giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh. Trong ảnh: đối thoại giữa cư dân, chủ đầu tư và ban quản trị ở một chung cư tại quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: N.L.

Theo quy định, ban quản trị (BQT) là một nhóm người do cư dân bầu để đại diện cư dân thực hiện những công việc được cư dân quyết qua hội nghị nhà chung cư. Nhưng nhiều BQT chung cư ở TP.HCM quên mất điều này, mà tự ý xem mình như người có quyền lực nhất trong cộng đồng.

Lạm quyền, trục lợi

Nhiều BQT lập nhóm chia phe nhằm chia chác những khoản lợi từ việc vận hành chung cư, dẫn đến những bất đồng, bức xúc của cư dân.

Ông Nguyễn Linh - cư dân một chung cư ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - vẫn còn bức xúc khi kể về BQT cũ đã quản lý chung cư này hơn 5 năm. Các thành viên BQT đã tự quyết chuyện vận hành, quản lý chung cư mà không lấy ý kiến cư dân về các vấn đề liên quan. 

Những khoản thu phí dịch vụ từ các công ty viễn thông, truyền hình cáp, phí đậu taxi... cũng không được BQT công khai thu bao nhiêu, chi những khoản nào. 

"Người dân còn nghi ngờ BQT nhận tiền để các công ty truyền hình cáp, viễn thông cung cấp dịch vụ độc quyền cho chung cư, khiến người dân không được quyền lựa chọn dịch vụ khác" - ông Linh cho biết.

Chuyện lạm quyền của BQT cũ tại chung cư P (Q.Bình Tân) cũng là đề tài "nóng" tại chung cư này một thời gian dài. Chung cư P không có quỹ bảo trì nên khi thang máy hư, mỗi hộ dân thống nhất đóng 3 triệu đồng để sửa. 

Tổng số tiền thu được gần 1 tỉ đồng, nhưng khi sửa được 3 trong số 6 thang máy thì BQT thông báo chỉ còn 200 triệu đồng mà không công khai các khoản thu chi.

Dân chung cư P bức xúc nhưng trưởng BQT không chịu đối thoại, nên họ đành gửi đơn tố cáo, khiếu nại khắp nơi. Tuy vậy, đến nay chung cư đã có BQT mới nhưng những thành viên BQT cũ vẫn không bàn giao, tất toán các khoản thu chi cùng báo cáo tài chính, hóa đơn... cho người mới.

Mâu thuẫn là "nghỉ chơi"

Tại một chung cư ở Q.Thủ Đức, giữa chủ đầu tư và BQT có xảy ra mâu thuẫn. Vậy là BQT lại quay sang "làm khó" những người đang kinh doanh trong khu thương mại (thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư).

Khách đến giao dịch ở các khu thương mại trong chung cư này không được gửi xe trong tầng hầm và tầng trệt chung cư. Các đơn vị thuê tầng thương mại muốn đưa bàn ghế, thiết bị vô trang trí phòng ốc bị buộc phải có sự đồng ý của BQT... 

"Trưởng BQT bận đi làm cả ngày, tối mới về, người kinh doanh nơi đây muốn có chữ ký đồng ý của BQT phải chờ đến tối mới gặp được" - một người thuê tầng thương mại của chung cư cho biết. Sau thời gian dài mâu thuẫn, cuối cùng chủ đầu tư phải bán rẻ những phần diện tích thuộc sở hữu của mình tại chung cư để tránh va chạm.

Ở chung cư S tại Q.Bình Thạnh, BQT không mâu thuẫn với chủ đầu tư mà mâu thuẫn với nhau. Một thành viên BQT do bất đồng ý kiến đã "nghỉ chơi", không chịu hợp tác với các thành viên khác trong một thời gian dài. 

Do thành viên này không đồng ý ký các chứng từ nên BQT không thể chi các khoản tiền trả cho đơn vị quản lý vận hành, tiền điện, tiền nước... Sự việc sau đó phải nhờ chính quyền đứng ra can thiệp mới tạm ổn.

Chưa hết, khi hội nghị nhà chung cư được tổ chức lại, thành viên này không được bầu lại. Người này đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền và UBND quận, cho rằng việc tổ chức hội nghị nhà chung cư này sai quy định. 

Vì khiếu nại này, UBND quận chưa ra quyết định công nhận BQT chung cư mới khiến những khoản chi phí sửa chữa, bảo trì nhà chung cư bị ngưng trệ, làm ảnh hưởng đến an toàn của chung cư và cư dân.

Tránh né "thượng đế"

Khi bán căn hộ, nhiều chủ đầu tư ngon ngọt xem khách hàng là "thượng đế", hứa hẹn đủ loại tiện nghi gắn liền với dự án. Tuy nhiên, khi người mua nhận nhà thực tế và thấy không đúng như cam kết ban đầu thì chủ đầu tư lại chơi chiêu né tránh. Ở nhiều nơi, cư dân bức xúc tụ tập, căng băngrôn phản đối, gửi đơn kêu cứu khắp nơi thì chủ đầu tư mới xuất hiện.

Ông N.T.V., chung cư H (Q.Bình Tân), kể khi ông tìm hiểu dự án, nhân viên bán hàng dẫn đi xem một block xây dựng xong trước đó có nhà giữ xe ở tầng trệt và tầng một. Nhưng khi chung cư đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư đem tầng để xe cho thuê bán cà phê và mở trung tâm ngoại ngữ..., còn xe của cư dân để ở công viên.

Người dân phản ảnh, cuộc họp nào chủ đầu tư cũng hứa sẽ giải quyết ổn thỏa cho cư dân trong thời gian ngắn nhất, nhưng đến hạn cuối lại thò ra lý do khác để không thực hiện... và hứa tiếp. "Đến giờ, người dân không còn niềm tin chủ đầu tư sẽ hành xử đúng mực" - ông V. chia sẻ.

Ông H.V.T., cư dân tại chung cư LH (Q.8), kể chủ đầu tư cơi nới phần diện tích tầng thượng để cho thuê, chuyển đổi công năng thương mại ở một số tầng thành căn hộ để bán.

Cư dân bức xúc, đề nghị gặp mặt nói chuyện nhưng chủ đầu tư năm lần bảy lượt tránh mặt. Mãi một thời gian sau, chủ đầu tư mới cho nhân viên làm việc với người dân, chủ yếu ghi nhận ý kiến để báo cáo ban giám đốc.

___________________

Mời bạn đọc hiến kế, trao đổi kinh nghiệm xây dựng văn hóa chung cư. Ý kiến gởi về email: nguyentran@tuoitre.com.vn

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,424       424