Kinh tế

Bùng nổ thương mại điện tử

TTO - Năm 2018 tiếp tục là “năm không nghỉ” của thương mại điện tử VN với sự cạnh tranh và tăng trưởng bùng nổ.

Bùng nổ thương mại điện tử - Ảnh 1.

Nhân viên một website bán hàng qua mạng tiếp nhận đơn hàng online, kiểm tra thông tin khách hàng để chuẩn bị giao hàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử VN, năm 2017 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đã tăng trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

"Nóng" bán hàng trên mạng

Khoảng 4 năm nay, chị Hiền - một phụ nữ có hai con - dư dả nuôi sống gia đình nhờ bán hàng online. Ban đầu chị mua hàng giùm cho khách đặt từ các trang mạng nước ngoài, lãi trên mỗi sản phẩm tùy theo thị trường từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng/món. 

Khi có uy tín, đơn hàng tăng lên, đến nay ngoài nhận mua hàng xách tay, chị Hiền còn chuyên "đánh" hàng Hàn Quốc, Thái Lan. "Gia đình tôi sống khá ổn với khoản thu nhập hiện nay" - chị Hiền cho biết.

Trong khi đó chị Mai Chi, chủ một chuỗi cửa hàng thời trang, cho biết dù có mặt bằng ở một số quận trong thành phố nhưng chị vẫn liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn cũng như bán hàng trên mạng xã hội. 

Theo chị Chi, từ khi bán hàng trên mạng, chị hiểu người mua hàng hơn, nắm xu hướng tốt hơn nhờ tương tác thường xuyên với khách. Chất lượng các giao dịch khá tốt, tỉ lệ đổi trả hàng không nhiều như trước đây và doanh số tăng nhanh.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), ước tính có hơn 1 triệu người bán hàng online, là những người xem công việc bán hàng như một ngành nghề không chính thức, tận dụng thời gian nhàn rỗi. 

Tuy nhiên, có không ít người trong đó đã xây dựng được hẳn "đế chế" bán hàng trên đó với giá trị đơn hàng lên đến cả vài chục triệu đồng, doanh thu tính bằng tỉ đồng.

Những cá nhân bán hàng online vừa được xem là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các sàn thương mại. 

Mới đây, Amazon đã chính thức bắt tay với VECOM để cung cấp các khóa đào tạo, công cụ của Amazon bán hàng cho đại gia này.

Bùng nổ thương mại điện tử - Ảnh 2.

Nhân viên giao hàng nhanh của website Adayroi giao hàng cho khách ở một chung cư cao cấp thuộc P.Thảo Điền, Q.2 - Ảnh: TỰ TRUNG

Thị trường tăng 25%, doanh nghiệp tăng 100%

Bà Mai Thị Lan Vân, giám đốc marketing Adayroi, cho biết tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Viết Nam gần như đứng tốp trên thế giới. Cùng với đó, xu hướng thương mại điện tử cũng phải phát triển thành cái chợ, là nơi mọi người yên tâm mua sắm nhất.

Theo đại diện Lazada Việt Nam, đơn hàng lẫn doanh số của thị trường Việt Nam đã tăng 100% trong năm 2017. 

Còn CEO của Tiki.vn Trần Nguyễn Thái Sơn nhận định với một thị trường chỉ có chiều đi lên như VN, đây là thị trường mà không một đại gia bán lẻ nào muốn bỏ qua. 

VECOM ghi thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỉ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng từ 25%. 

Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. 

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (affiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng đạt từ 100% đến 200%.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch VECOM, cho biết thương mại điện tử của VN được nhắc nhiều nhưng chỉ thực sự khởi sắc khoảng 3 năm gần đây khi sân chơi có thêm nhiều đại gia đổ tiền vào. 

Một số thương hiệu có tên tuổi đã bắt đầu tìm lên trang web để bán hàng, bổ sung thêm cách bán hàng truyền thống từ trước đến nay. 

Doanh thu thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 30%/năm và tốc độ này có thể sẽ gia tăng hơn nữa với sự bùng nổ của công nghệ, thói quen mua sắm mới.

Bùng nổ thương mại điện tử - Ảnh 3.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và CNTT (VECITA), Báo cáo thương mại điện tử 2015 - Đồ họa: V.CƯỜNG

vidientu

Các bước sử dụng ví điện tử - Đồ họa: V.CƯỜNG

Ví điện tử phát triển nhanh

Thời gian gần đây ví điện tử phát triển rất nhanh chóng. Đến nay đã có 25 tổ chức không phải là ngân hàng (NH) được NH Nhà nước cấp phép cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán.

Tính riêng năm 2016, giá trị giao dịch tại thị trường VN thông qua ví điện tử đã lên đến 53.109 tỉ đồng, cao hơn cả doanh số thanh toán thẻ nội địa năm 2016 thông qua máy POS và bằng 1/3 doanh số thanh toán thẻ quốc tế trong cùng năm.

Hiện có rất nhiều ví điện tử được người tiêu dùng biết đến như Ví Momo, Mobiví, Ví Việt...

Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng phát hành các loại ví nhằm phục vụ riêng cho việc thanh toán dịch vụ của mình.

Ông Phạm Quang Đệ - phó giám đốc NH điện tử NH Bưu Điện Liên Việt, phụ trách Ví Việt - cho biết sắp tới NH sẽ phát triển thêm nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua ví từ đi chợ, đi xe buýt đến quán cà phê nhằm từng bước biến thói quen sử dụng tiền mặt thành tiền số.

Đây sẽ là tiền đề để phát triển thành NH số vì giúp NH làm tất cả dịch vụ mà không cần chi nhánh, không cần nhân viên.

trung tâm đóng gói hàng của lazada tại indonesia - ảnh reuters

Trung tâm đóng gói hàng hóa của Lazada tại thủ đô Jakarta của Indonesia - Ảnh: Reuters

Các "ông lớn" nhảy vào

Tháng 3-2018, Tập đoàn Alibaba cho biết sẽ đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Lazada (có thị trường VN), nâng tổng mức đầu tư của Alibaba ở Lazada lên 4 tỉ USD.

Trong khi đó, đại gia Tencent cũng gia tăng sự xâm nhập vào thị trường VN sau khi đưa trang thương mại điện tử Shopee chính thức gia nhập thị trường vào tháng 8-2016 bằng việc mua lại 82% cổ phần Foody.vn với giá 64 triệu USD.

Thương vụ đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.vn trong năm 2017 của JD.com, vốn là đối thủ của Alibaba trong thương mại điện tử, cũng đáng chú ý.

Châu Á cạnh tranh khốc liệt thương mại điện tử

Cơn sốt thương mại điện tử ở châu Á và Đông Nam Á nói riêng đang tiếp tục tăng nhiệt.

Có thể thấy mọi thứ diễn ra nhịp nhàng với tiến triển từ các yếu tố liên quan như sự phổ biến của Internet, thói quen thanh toán bằng thẻ tín dụng...

Theo báo cáo của Google và Temasek (công ty Singapore), lượng người dùng Internet ở khu vực sẽ tăng mạnh chưa từng có trong hai năm 2018 và 2019, dự kiến tăng từ 330 triệu người hiện nay lên 480 triệu.

Ngoài ra, dự báo hơn 90% người dùng Internet ở Đông Nam Á sẽ dùng điện thoại thông minh.

Sự phát triển ấy đã góp phần giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Đầu tiên là lĩnh vực bán hàng trực tuyến.

Alibaba được xem là người đi đầu trong việc khai phá thị trường Trung Quốc và đang vươn vòi sang nhiều nước khác.

Tại Singapore, Tập đoàn Rocket Internet là công ty đầu tiên bước vào thị trường này, với việc tạo ra Lazada, sau đó là phiên bản chuyên thời trang Zalora ở Malaysia.

Tại Thái Lan, WeLoveShopping được xây dựng từ năm 2004, theo hình mẫu nền tảng thị trường người mua với người mua (C2C) do Ascend Group phát triển.

Ở Nhật Bản, Rakuten nổi lên như một thế lực và đã xâm nhập thị trường Malaysia, Singapore và một số nước khác.

Để trụ vững trước các kế hoạch lấn sân của những ông lớn trên thế giới, Singapore là đại diện tiêu biểu cho việc vận dụng nội lực.

Thủ tướng Lý Hiển Long chủ trương chuyển đổi kinh tế Singapore, lấy thanh toán điện tử làm động lực cho tương lai và phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ.

Tỉ lệ dùng Internet ở Singapore lên tới 64,7% năm 2017 và dự kiến là 74,20% năm 2020. Hiện mỗi khách hàng Singapore trung bình chi 1.861 đôla Singapore mỗi năm để mua hàng trực tuyến.

Điều này góp phần không nhỏ khiến Qoo10 - công ty nội địa, đang chiếm vị trí đầu tiên về lượng khách hàng truy cập hằng tháng ở đảo quốc này, trên cả Lazada hay eBay.

NHẬT ĐĂNG

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,453       552