Kinh tế

Điệp vụ Biển Đỏ: Cục Điện ảnh cho rằng một số báo đã suy diễn

TTO - Cục Điện ảnh đã có phản hồi chính thức về phim "Điệp vụ Biển Đỏ". Cơ quan này cho rằng một số tờ báo mạng đã suy diễn về nội dung phim.

Sau khi có thông tin bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ có nội dung thể hiện sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc và thể hiện tham vọng dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo, sáng nay (26-3) Cục Điện ảnh đã chọn cách trả lời thông tin trên báo của ngành trước, thay vì gửi thông cáo chung đến các báo quan tâm đến vụ việc này ngay từ đầu.

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với những người có trách nhiệm trả lời về vụ việc này. Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim truyện Vũ Xuân Hưng không bắt máy, Cục phó Cục Điện ảnh Lý Phương Dung trả lời "đang bận họp".

Điệp vụ Biển Đỏ: Cục Điện ảnh cho rằng một số báo đã suy diễn - Ảnh 1.

Phim Điệp vụ Biển Đỏ

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh trên báo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng thẩm định phim truyện đã thẩm định phim Điệp vụ Biển Đỏ vào ngày 2-3-2018. 

100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến với điều kiện cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Ngày 15/3/2018, bộ phim được cấp phép phổ biến.

Cục Điện ảnh cho rằng, một số báo mạng viết bài về bộ phim này đã thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả. Cục cho rằng những hình ảnh, âm thanh, lời thoại ở 36 giây cuối phim không đủ căn cứ để kết luận bộ phim có nội dung như các bài báo quy kết.

Điệp vụ Biển Đỏ xoay quanh 8 thành viên của đội đặc nhiệm Giao Long do Cao Cương (Trương Hàm Dư) dẫn đầu. Họ phải chống lại tổ chức khủng bố đang nhăm nhe chiếm nguồn nhiên liệu hạt nhân để chế tạo bom, đồng thời bảo vệ dân lành. Nếu không ngăn chặn âm mưu này, cả vùng lãnh thổ Yemen có nguy cơ bị diệt vong.

Dựa trên sự kiện có thật nói trên đạo diễn Lâm Hiền Siêu thực hiện bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, với kinh phí lên tới 72 triệu USD, phô diễn tối đa sức mạnh của quân đội Trung Quốc.

Điệp vụ Biển Đỏ do CGV phát hành tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 16-3. Sau khi phim được công chiếu, dư luận đặc biệt quan tâm đến đoạn cuối phim. 

Trong đó đoàn tàu của Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ cho là "South China Sea".

Hình ảnh này bị cho là không ăn nhập với nội dung phim, và gợi liên tưởng đến vấn đề chủ quyền lãnh hải vốn gây căng thẳng lâu nay.

Ngay khi báo chí đưa tin, ngày 24-3, CGV đã rút phim ra khỏi rạp với lý do phim quá ít khách. Cục Điện ảnh, cơ quan cấp phép phổ biến Điệp vụ Biển đỏ đã làm việc để thẩm định lại bộ phim này và có kết luận vào sáng nay, như đã nêu trên.

Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tư vấn tư vấn cho cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim là Cục Điện ảnh.

Hội đồng này theo quy chế cần có ít nhất chín thành viên, gồm đại diện người đứng đầu cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim, các đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh. Ngoài ra còn có thêm các thành viên đến từ Vụ Văn hóa – Văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,505       728