TTO - Từ khởi lập năm 1951 đến khi kết thúc cuối tháng 4-1975, Air Việt Nam, hãng bay đầu tiên của người Việt, hầu như luôn luôn hoạt động trong chiến sự nên phải gánh chịu rất nhiều khó khăn, trong đó có những tai nạn hàng không nghiêm trọng...
Chuyển hàng hóa lên máy bay ở Tân Sơn Nhất trước năm 1975 - Ảnh tư liệu TTLTQG2
Những tai nạn xảy ra của Air Việt Nam hầu hết đều không phải lỗi phi công mà vì lý do chiến tranh, một số máy bay quá cũ như DC3, DC4 luôn quá tải các tuyến bay quốc nội
Cựu cơ trưởng HUỲNH MINH BON
Chuyến bay định mệnh ở Quảng Ngãi
Trong số các tai nạn của AVN, có vụ nổ, rơi máy bay làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách. Ngày 16-9-1965, một chiếc DC3 mang ký hiệu XV.NIC thực hiện chuyến bay khứ hồi Sài Gòn - Quảng Ngãi - Sài Gòn đã bị tai nạn ngay lúc cất cánh trở về.
Tờ trình của giám đốc Nha Hàng không dân sự Nguyễn Từ Thiện (số 238/HKDS, ngày 20-9-1965) đã tường thuật tỉ mỉ vụ tai nạn này.
Lúc 10h32 ngày 16-9-1965, chuyến bay thương mại phiên hiệu XV.NIC của AVN sau khi trả hành khách từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi đã chuẩn bị cất cánh trở lại Tân Sơn Nhất. Điều kiện thời tiết không vấn đề gì bất thường, chỉ có một chút mưa nhẹ, nhưng gió không đáng kể, tầm nhìn xa.
10h33, chiếc DC3 chở theo ba thành viên phi hành đoàn người Việt Nam và hành khách, cất cánh từ đầu tây đường băng 28, phi trường Quảng Ngãi (đường băng này mới được nâng cấp dài 1.100m, rộng 30m, cán đá trải nhựa).
Sau khi rời đường băng được 1.700m, chiếc DC3 rẽ phải, quay hướng lại phía đông để bay về Sài Gòn thì bất ngờ khói đen phụt ra từ phía đuôi máy bay (theo nhân chứng). Lúc này, máy bay được phi công cố điều khiển quay lại phi trường vừa cất cánh nhưng không còn kịp nữa.
Chiếc DC3 mất cao độ, rơi xuống chân núi Hùm, xã Tư Bình, quận Tư Nghĩa (nay là huyện Tư Nghĩa), Quảng Ngãi, cách phi trường khoảng 7km về hướng đông nam.
Một trong những biểu tượng của Air Việt Nam - Ảnh tư liệu
Đó là khoảnh khắc định mệnh 10h36 ngày 16-9-1965. Toàn bộ phi hành đoàn ba người và 37 hành khách, trong đó có 7 phụ nữ cùng 2 trẻ em, thiệt mạng ngay lập tức. Chiếc máy bay cánh quạt DC3 cũng bị hư hỏng, tiêu hủy đến 90% trên mặt đất.
Chỉ một giờ sau khi xảy ra tai nạn, một ủy ban điều tra kỹ thuật của Nha Hàng không dân sự từ Sài Gòn đã bay khẩn cấp ra Quảng Ngãi để khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân tai nạn, trước khi nó bị xáo trộn vì đây là vùng chiến sự và thời tiết mùa mưa bão của miền Trung.
Quan sát trực tiếp tại hiện trường, họ đánh giá tổng quát ban đầu: "Có vết rõ trên ruộng lúa hướng bắc - nam. Mặt đất khô ráo. Vị trí xác phi cơ hướng đông - tây. Theo vết tích từ lúc đụng đất, lần lượt có hai cánh quạt bị quằn, bộ bánh gãy, cánh trái bị gãy rời hẳn ra khỏi thân phi cơ, cánh phải bị tiêu hủy gần hết, phần trước của thân phi cơ bị nát, đuôi còn lại từ cửa sau đến bánh lái, động cơ trái không có vết cháy...".
Lật lại hồ sơ máy bay, đây là chiếc DC3, phiên hiệu XV.NIC, thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Hàng Không. Nó có số thứ tự sản xuất C-SIC3G 20301. Loại động cơ Pratt and Whitney R.1830.921, có đủ chứng chỉ đăng bạ và chứng chỉ bảo trì.
Tiền sử thân, cánh 27.561 giờ. Tiền sử động cơ số 1 đã hoạt động 442 giờ kể từ đại kiểm kỳ. Tiền sử động cơ số 2 đã hoạt động 182 giờ kể từ đại kiểm kỳ. Viễn thông đủ các tần số HF và VHF phải có cho chuyến bay.
Trọng lượng tối đa máy bay được phép chuyên chở 12.300kg. Máy bay có 32 ghế được xếp theo giới hạn centrage của huấn thư khai thác số AVEX 1070. Thời điểm máy bay bị tai nạn, vô tuyến phù trợ hoạt động không vận đang hoạt động. Đài kiểm soát không lưu do US Army đảm nhiệm hoạt động từ 7h30 đến 18h mỗi ngày.
Cơ trưởng chuyến bay này là phi công chuyên nghiệp hạng nhất Dương Thiệu Cường được biệt phái từ sĩ quan không quân sang lái dân sự.
Ông được cấp bằng lái máy bay thương mại SC1090 ngày 2-7-1964, năng định máy bay DC3. Sổ sức khỏe khám ngày 30-3-1965 còn hiệu lực đến ngày 30-9-1965. Loại máy bay từng lái MS500, T34A, T28A, T25N, C47.
Số giờ bay tính đến ngày 30-4-1965 của phi công Cường đạt 4.039 giờ và đã được khảo sát năng lực ngày 4-6-1965.
Phi công phụ của chuyến bay này cũng là phi công chuyên nghiệp hạng nhất Lưu Đức Trinh, cũng biệt phái từ không quân qua, tiếp viên phi hành đoàn là cô Công Huyền Tôn Nữ Ái Trinh...
Air Việt Nam luôn hoạt động quá tải cả phi công lẫn máy bay - Ảnh TTLTQG 2
Nhiều hành khách bay bị thiệt mạng
Trước đó 3 năm, AVN cũng bị rơi một chiếc DC3 khác vào ngày 10-11-1962. Đây là tai nạn đầu tiên của hãng kể từ ngày đầu thành lập, làm thiệt mạng toàn bộ 20 người, gồm 6 quân nhân và phi hành đoàn 3 người. Cơ trưởng chuyến bay này là phi công thuê người Đài Loan Chen Wan Tsun.
Nguyên nhân tai nạn được kết luận là máy bay bị cháy từ phía dưới đuôi, lan vào giữa thân, làm dây cáp các bộ phận lái đuôi không điều khiển được. Đồng thời thêm tình trạng hành khách hốt hoảng, hỗn loạn làm máy bay mất thăng bằng, khiến phi công không thể điều khiển được...
Vụ tai nạn được bảo hiểm chi trả 60.000 USD, cộng thêm tiền của Air Việt Nam. Tính cụ thể, trung bình mỗi người được bồi thường 600.000 đồng, tương đương 8.286 USD thời điểm ấy.
Riêng nạn nhân là công chức được bồi thường 300.000 đồng và một năm lương thực lãnh. Trẻ em được nhận phân nửa mức người lớn. Viên phi công Đài Loan cũng có mức bồi thường 300.000 đồng và một năm lương lãnh từ AVN.
Sau vụ tai nạn này, hãng hàng không miền Nam Việt Nam chỉ còn 5 chiếc DC3 trong đội bay nhưng lúc nào cũng có một chiếc phải nằm trong tình trạng kiểm tra. Mỗi năm có 260 ngày chỉ sử dụng được ba chiếc DC3.
Kể từ đó, AVN buộc phải thuê thêm các loại máy bay cánh quạt đi tuyến ngắn quốc nội với chi phí khoảng 60.000 USD mỗi năm trước khi mua được thêm máy bay.
Rà soát quy trình an ninh sau tai nạn
Ngoài hai vụ tai nạn nghiêm trọng trên, hãng bay này còn bị các vụ rơi máy bay ở Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Nha Trang... làm thiệt mạng nhiều người. Trong đó có vụ ngày 22-12-1969, một chiếc DC6-B bị nổ lúc chuẩn bị hạ cánh ở phi trường Nha Trang làm thiệt mạng toàn bộ hành khách.
Đến ngày 15-9-1974, một chiếc B727 mang phiên hiệu XV.NIC của AVN lại bị nổ trên chuyến bay từ Đà Nẵng về Tân Sơn Nhất làm thiệt mạng tất cả những người có mặt trên máy bay.
Sau những sự vụ đen tối này, ngành hàng không miền Nam Việt Nam cùng các cơ quan liên đới như Bộ Giao thông - vận tải, cảnh sát phi trường phải rà soát và thực hiện lại quy trình an ninh - an toàn cho hoạt động bay của hãng.
**********************
Kỳ tới: Bước khởi đầu của ngành hàng không dân dụng miền Bắc