Kinh tế

Vụ nhận chìm ở Vĩnh Tân: 1/10 sự kiện ngành tài nguyên môi trường

TTO - Trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên - môi trường có tên vụ việc từng làm dư luận "dậy sóng": phương án nhận chìm vật chất ở Vĩnh Tân, Bình Thuận.

Vụ nhận chìm ở Vĩnh Tân: 1/10 sự kiện ngành tài nguyên môi trường - Ảnh 1.

Vùng biển Quy Nhơn - nơi Cục Hàng Hải Việt Nam vừa đề xuất nhận chìm khoảng 439.000m3 chất thải nạo vét xuống biển - Ảnh: TIẾN DŨNG

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên - môi trường năm 2017 gồm: 

1. Hội nghị lần thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức thành công tại TP Cần Thơ từ ngày 26 đến 27-9 năm 2017.

2. Chính phủ ban hành nghị quyết số 120 ngày 17-11 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Đây là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ đề cập một cách toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, chiến lược nhằm thực hiện chuyển đổi quy mô lớn và xây dựng mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

3. Năm 2017 là năm kỷ lục về số cơn bão, thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước. 

Có 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42oC ở miền Bắc và miền Trung, nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử.

4. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Năm 2017, Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi gần 45% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 

Lần đầu tiên thí điểm liên thông giải quyết 11 thủ tục hành chính của 3 lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thời gian và tiết kiệm đến 2/3 chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

5. Triển khai kinh tế hóa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên - môi trường đưa ra phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất.

6. Nghị định số 01/2017 của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy thị trường bất động sản.

7. Thay đổi phương án nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân, Bình Thuận. 

Trước sự quan tâm, lo lắng từ dư luận, ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan báo chí và người dân, Bộ Tài nguyên - môi trường đã phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng phương án nhận chìm 1 triệu m3 vật chất ở biển được thay thế bằng phương án san lấp mặt bằng theo quy hoạch của cảng tổng hợp Vĩnh Tân; lùi thời điểm thi hành khoản 5 điều 6 của Thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên - môi trường, trong đó để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên sổ đỏ, để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên - môi trường chính thức ngừng hiệu lực việc ghi tên này.

8. Hoàn thành kế hoạch đưa các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn môi trường. 

Năm 2017, Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang và một số cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường khác để giám sát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường.

9. Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN và thứ 6 của Việt Nam.

10. Nhiều cá nhân được công nhận, vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam và thế giới. 

Năm 2017 là năm tại Việt Nam, nhiều tên tuổi của các nhà khoa học được thế giới vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, giáo sư Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt về đa dạng sinh học.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,852       282