Kinh tế

Xếp hàng chờ đến lượt mình, có gì đâu mà khó!

TTO - Theo bạn đọc Tùng Lâm, việc cô học trò lớp 9 tự nguyện xếp hàng chờ đến lượt mình rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên để lâu quá không làm trở thành 'quên'. Nếu người lớn gương mẫu, không có việc gì khó!

Xếp hàng chờ đến lượt mình, có gì đâu mà khó! - Ảnh 1.

Bạn trẻ xếp hàng tại đường sách chờ sở hữu chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh: LAM ĐIỀN

Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc này.

Đọc bài "Cô học trò lớp 9 'chỉ' chúng tôi cách xếp hàng tự trọng"của tác giả Hữu Chơn, tôi và nhiều bạn đọc khác thấy vui mừng vì cách ứng xử tử tế của mọi người nhất là của cô bé học trò lớp 9.

Cô học trò lớp 9 Cô học trò lớp 9 'chỉ' chúng tôi cách xếp hàng tự trọng

TTO - Theo bạn đọc Hữu Chơn, đây đó vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp trong cuộc sống, song cái tốt vốn là bản chất của người Việt, chỉ cần được đánh thức là sự tử tế lại lan tỏa. Chuyện đẹp ngày cuối năm dưới đây là minh chứng!

Hành động tự nguyện thực hiện văn hóa xếp hàng của cô bé lẽ ra phải là một việc làm rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày nhưng vì có quá nhiều người vì vô tình hay cố ý quên đi nên cách ứng xử của cô học trò nhỏ trở thành đáng khen.

Nếu mỗi ông bố bà mẹ, mỗi người lớn chúng ta gương mẫu, sống tử tế thì lẽ dĩ nhiên con trẻ nhìn vào sẽ tự giác học theo mà không cần phải đợi nhắc nhở. Nhân lên điều tử tế là việc trong tầm tay của tất cả chúng ta."

Tùng Lâm

Nếu chú ý quan sát cuộc sống đang diễn ra quanh mình, tôi tin rằng mỗi người lớn chúng ta đang từng ngày học được những bài học về sống tử tế, sống đẹp từ chính con trẻ.

Và theo tôi, dạy trẻ con sống tử tế, sống có văn hóa không hề khó, cái khó là người lớn chúng ta có gương mẫu thực hiện những điều mà mình dạy con trẻ hay không thôi!

Là một phụ huynh, ai trong chúng ta lại không từng chứng kiến cảnh mỗi sáng tại cổng trường có đứa bé muốn tìm thùng rác để bỏ vỏ hộp xôi, hộp sữa nhưng bố mẹ bé lại vứt luôn xuống đất?

Có ai chưa từng thấy cảnh mẹ bảo con tranh thủ ăn nhiều đồ ăn dùng thử miễn phí ở siêu thị tới mức đứa trẻ ngây thơ hỏi: đồ miễn phí nên cố ăn nhiều hả mẹ?

Có ai chưa từng thấy cảnh ông bố bắt con trai tè vào gốc cây ở công viên dù thằng con mắc cỡ đòi đi nhà vệ sinh chứ nhất quyết không đái đường?

Có ai trong chúng ta trong lúc vội vàng chở con đi học đã từng vượt đèn đỏ khi không có công an trước sự ngỡ ngàng hay phàn nàn của con tại sao ba/mẹ lại làm vậy?

Tôi đã không ít lần bối rối trước những câu hỏi của đứa con 7 tuổi: tại sao người ta lại vứt rác ra đường hả mẹ? Tại sao người ta lại không bảo vệ môi trường sống?

Nghe câu hỏi là biết "bà cụ non" đã nhớ lời cô giáo dạy đến mức nào. Con gái tôi luôn tự giác bỏ rác vào cái hộc phía trước xe máy của mẹ nếu như bé có ăn uống gì trên xe nhưng thỉnh thoảng bé cũng thấy ấm ức vì mẹ bắt bé cầm rác trên tay chứ không cho bỏ lung tung như người nọ người kia.

Đôi lúc bé cũng về phe mẹ chê chú kia mất lịch sự không chịu xếp hàng tính tiền ở siêu thị và ngoan ngoãn đứng phía sau hàng người dài đợi tới lượt mình dù vẫn than mỏi chân.

Thỉnh thoảng khi chở con đi học, đứa nhỏ lỡ làm rớt chiếc dép xuống đường, tôi vẫn được những em học sinh không quen biết lượm dùm rồi đưa tận tay. Con gái tôi tấm tắc khen anh/chị đó tốt ghê. Tôi cũng tranh thủ dạy con mai mốt con cũng làm như anh chị đó nha.

Gặp những em bé xa lạ khóc nhè ở bệnh viện, con gái tôi tự nhiên dỗ dành như dỗ em mình khiến cho bố mẹ em bé khen con tôi giỏi quá làm bé vui cười tít mắt. Về nhà, tôi lại khen con ngoan và lần sau tiếp tục như thế nữa nhé!

Có rất nhiều những câu chuyện ấm áp tình người đang được viết nên mỗi ngày bởi những những cô bé, cậu bé học trò, bởi những bạn sinh viên trẻ.

Đó thực sự là những bài học quý giá và thuyết phục nhất để con trẻ của chúng ta học được lối sống tử tế, văn hóa.

Nếu mỗi ông bố bà mẹ, mỗi người lớn chúng ta gương mẫu, sống tử tế thì lẽ dĩ nhiên con trẻ nhìn vào sẽ tự giác học theo mà không cần phải đợi nhắc nhở. Nhân lên điều tử tế là việc trong tầm tay của tất cả chúng ta.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn suy nghĩ gì đề điều này. Theo bạn, dạy con làm điều tử tế là việc trong tẩm tay của mỗi phụ huynh chúng ta? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,852       313