Kinh tế

Bài toán sư phạm nhìn từ góc nhìn hệ thống

TTCT - Năm 2017 có thể xem là điểm mốc trong tiến trình phát triển ngành đào tạo sư phạm ở Việt Nam, đánh dấu bằng hiện tượng tuột dốc điểm tuyển đầu vào ngành sư phạm, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự “xuống giá” của nghề giáo, kéo theo đó là sự lo lắng cho chất lượng giáo dục những năm tới, trước mắt là cho những nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Liệu có lời giải nào cho bài toán nhức đầu này?

Sinh nhật cô giáo, tranh của Norman Rockwell. -Ảnh: wikiart.net
Sinh nhật cô giáo, tranh của Norman Rockwell. -Ảnh: wikiart.net

Kinh nghiệm liên quan của một số nước

Chúng ta không đơn độc trong tình cảnh này! Thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và kinh tế liên tục tạo ra nhiều ngành nghề mới và cơ hội thu nhập cao cho những người giỏi.

Trong khi đó, giáo viên là một nghề nghiệp ăn lương, dù lương có cao hơn mặt bằng xã hội thì vẫn không thể so được với thu nhập của giới lao động kỹ năng cao trong các doanh nghiệp. Ở Mỹ, 1/3 giáo viên bỏ nghề trong vòng ba năm đầu. Ưu điểm đặc biệt của nghề giáo là tính ổn định, vì nhiều nước có chế độ biên chế suốt đời cho giáo viên phổ thông.

Nhưng hệ thống biên chế cũng đang được xem xét lại vì tính chất trì trệ mà nó gây ra. Điều này khiến địa vị của nghề giáo ngày càng giảm và ngành sư phạm ngày càng khó tuyển người giỏi.

Vì thế, khi nhà nước vẫn muốn duy trì chất lượng tốt của hệ thống giáo viên thì tất yếu là thiếu người. Thực trạng này diễn ra khắp nơi trên thế giới, từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á.

Một nước đã xử lý tốt vấn đề đó là Singapore. Được coi là một trung tâm về kiến tạo tri thức, khoa học và công nghệ của khu vực, là một trong 39 nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, Singapore đạt được thành tựu đấy một phần quan trọng nhờ chính sách bảo toàn chất lượng giáo dục, bởi nguồn lực con người hầu như là tài sản duy nhất của đảo quốc này.

Đó là một chương trình đa dạng. Chính phủ đưa ra học bổng “Phục vụ cộng đồng” nhằm thu hút sinh viên giỏi, tăng lương và tạo mọi điều kiện thăng tiến cho giáo viên.

Singapore còn áp dụng mô hình đào tạo sư phạm linh hoạt để khích lệ người giỏi vào ngành và tạo điều kiện chuyển đổi dễ dàng. Những người muốn theo nghề giáo có thể vào trường sư phạm sau khi tốt nghiệp phổ thông để lấy bằng cử nhân giáo dục.

Những người đã tốt nghiệp ĐH ở các ngành khác cũng có thể học hai năm, lấy bằng thạc sĩ giáo dục để đi dạy.

Trong khi chuẩn mực về nghề dạy học không ngừng được nâng cao, quan trọng không kém, Viện Giáo dục sư phạm quốc gia nhấn mạnh việc tuyển dụng giáo viên không nhất thiết phải quá chú ý đến năng lực sư phạm, mà cần quan tâm hơn đến những phẩm chất quan trọng của nghề giáo như sự tận tụy và tính liêm chính.

Điều này cho thấy sự chuyển đổi trọng tâm rất đáng học hỏi với nghề sư phạm, từ bám sát nội dung và thiên về lý thuyết sang thái độ làm việc, những giá trị và sự tận tâm.

Ở Mỹ cũng có mô hình tương tự. Nhà nước khuyến khích các trường CĐ cộng đồng, các trường ĐH truyền thống và cả các trường tư tổ chức các khóa huấn luyện phương pháp sư phạm cho những người mới tốt nghiệp ĐH, hoặc từng có thời gian làm việc trong các ngành nghề khác nay muốn dành ra một quãng thời gian trong đời để đi dạy.

Có nơi số giáo viên mới vào nghề thông qua các chương trình đào tạo như thế chiếm tới 25% tổng số giáo viên, còn ở California chỉ có gần nửa số giáo viên mới vào nghề tốt nghiệp từ các trường hay các khoa sư phạm theo lối truyền thống (theo David G.Imig, Liên hiệp Các trường sư phạm Hoa Kỳ).

Một giải pháp khác khi không đủ người là tuyển dụng giáo viên người nước ngoài. Đó là điều Bộ Giáo dục Singapore đã làm với các môn tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Tamil. Tuy nhiên, bài toán của chúng ta có hơi khác. Bài toán của chúng ta, thật oái oăm, không phải là thiếu, mà là thừa giáo viên.

Vì sao nên nỗi?

Thật nghịch lý khi nghề sư phạm vốn không mấy hấp dẫn do thu nhập thấp, công việc đầy áp lực, địa vị xã hội ngày một sút giảm, chỉ được mỗi ưu điểm là ổn định - tuy gần đây ưu thế này cũng không còn nữa ở Việt Nam vì không tìm được việc và mất việc đang là nỗi lo thường trực - nhưng vẫn có người thi vào sư phạm và cách đây vài năm, Bộ GD-ĐT đã cho biết hiện thừa khoảng 35.000 giáo viên trong cả nước.

Những gì ta đang thấy hôm nay là kết quả những gì chúng ta đã làm trong một hai thập niên trước. Rất nhiều sinh viên đã vào trường sư phạm vì chính sách miễn học phí đối với các trường này, đến mức từng có lúc “tỉ lệ chọi” đầu vào của trường sư phạm lên đến 1/30, tức chọn 1 trong 30 người nộp đơn, như trường hợp ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tuy vậy, việc tổng số học sinh trên cả nước giảm từ 17,8 triệu còn 14,8 triệu trong giai đoạn năm học 1999-2000 tới 2010-2011 (hiện là 15,4 triệu học sinh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê) đã làm nhu cầu về giáo viên giảm mạnh.

Trong lúc đó, Việt Nam có một hệ thống trường sư phạm rất lớn. Tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 117 cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo giáo viên, bao gồm 14 trường ĐH sư phạm, 24 trường CĐ sư phạm và trên 80 trường ĐH-CĐ không có tên sư phạm nhưng vẫn đào tạo ngành sư phạm (theo ước tính của một vị lãnh đạo trường sư phạm).

Chỉ riêng quy mô đào tạo ở 14 trường ĐH sư phạm đã là 151.000 người. Trước tình hình cung vượt cầu, chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm vẫn tiếp tục tăng đều hằng năm từ 3-5%.

Thậm chí có những trường với quy mô giảng viên nhỏ vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh còn nhiều hơn cả các trường lớn có uy tín lâu đời. Đà tăng về tuyển sinh của các trường sư phạm chỉ chậm lại từ năm 2014, do bộ có chủ trương giảm bớt quy mô đào tạo ngành sư phạm nhằm giải quyết khủng hoảng thừa.

Tuy nhiên, vấn đề số lượng không nghiêm trọng bằng vấn đề chất lượng. Mặc dù nói cho công bằng, không phải trường sư phạm nào cũng tuyển đầu vào với điểm quá thấp (trường hợp năm nay ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM có điểm đầu vào của ngành cao nhất lần lượt là 27,75 và 26,25, nhiều trường khác lấy điểm sàn 15,5), nhưng chúng ta vẫn phải nhìn nhận tổng điểm 9-10 điểm/ba môn để vào CĐ sư phạm là không thể chấp nhận được.

Đặc biệt là vì tốt nghiệp CĐ có thể dạy các cấp lớp thấp, mà tác động của chất lượng thầy cô với các lớp học sinh nhỏ này còn quan trọng hơn nhiều so với học sinh trung học phổ thông.

Tìm kiếm một giải pháp

Quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, xóa bỏ các trường CĐ, tính toán lại quy mô đào tạo là những việc không khó làm và sớm muộn gì Bộ GD-ĐT cũng phải làm.

Khó hơn nhiều là việc tái định hình nghề sư phạm để nó đáp ứng được yêu cầu của cải cách giáo dục phổ thông, những đòi hỏi của nền kinh tế, của sự phát triển xã hội cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người dân trong một môi trường toàn cầu.

Trong khi máy móc và công nghệ đang làm thay con người nhiều việc thì lao động sư phạm, đặc biệt ở các cấp học mầm non, tiểu học và phổ thông, vẫn có những đặc thù mà xã hội tiếp tục cần đến trong nhiều năm tới, bất kể là trí thông minh nhân tạo có tiến đến mức độ nào. Nhưng nó không thể tiếp tục như cách nó từng tồn tại nhiều thế kỷ qua, tức là thiên về truyền thụ kiến thức và nhằm vào thi cử, bằng cấp.

Nghịch lý là ở chỗ đòi hỏi đối với chất lượng người thầy ngày càng lớn trong lúc sự hấp dẫn của nghề sư phạm ngày càng giảm. Câu trả lời dễ dàng nhất và cũng khó thực hiện nhất là tăng lương giáo viên nhằm thu hút người giỏi.

Tuy nhiên, cứ giả sử lương có thể tăng (dù phải nhớ rằng chỉ cần tăng lương giáo viên 2 triệu đồng mỗi tháng là ngân sách phải có thêm 1 tỉ USD mỗi năm) thì bản thân việc tăng lương cũng không bảo đảm chắc chắn việc tăng chất lượng giáo viên và chất lượng giáo dục.

Một số nghiên cứu cho biết tình trạng tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam chỉ đứng sau hai ngành là nhà đất và cảnh sát giao thông. Nếu không sửa được tình trạng đó thì tăng lương bao nhiêu cũng sẽ không giải quyết được bài toán chất lượng. Tuy nhiên, đó là một vấn đề khác ngoài phạm vi của bài này.

Thay đổi mô hình và triết lý đào tạo

Trở lại vấn đề tuyển sinh và đào tạo ngành sư phạm, xuất phát điểm của các giải pháp hiện nay cần gắn với thực tế của Việt Nam trong lúc vận dụng những kinh nghiệm của nước ngoài.

Nghị quyết 29-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có một câu quan trọng nói đến tuyển sinh sư phạm: “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”.

Tuy nhiên, trên thực tế cần chính sách hay khích lệ tài chính cụ thể và thực tế để triển khai đường hướng đó. Chính sách cần được thiết kế dựa trên việc tạo ra động lực, đặc biệt là động lực thị trường.

Cũng cần hướng cải cách tới mục tiêu cá nhân hóa quá trình dạy và học, nhằm vào phát triển tiềm năng của từng học sinh và nhấn mạnh vào các giá trị sống cũng như những kỹ năng cốt lõi, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức và thi cử.

Với xuất phát điểm và mục tiêu như thế, có lẽ các trường sư phạm không chỉ cần quy hoạch hay tái cấu trúc, mà phải thay đổi hẳn mô hình đào tạo.

Có thể áp dụng kinh nghiệm của một số nước Đông Á và phương Tây, thiết kế đào tạo sư phạm linh hoạt hơn: sinh viên có thể thi vào ĐH và lấy bằng cử nhân giáo dục hoặc một lĩnh vực chuyên ngành khác, rồi sau đó học một khóa cao học để lấy bằng thạc sĩ giáo dục.

Mô hình này có ưu điểm là tạo ra con đường sự nghiệp linh hoạt cho sinh viên. Học xong họ có thể đi dạy, hoặc làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, tùy theo nhu cầu của thị trường và năng lực của họ.

Tuy vậy, việc thay đổi mô hình không quan trọng bằng việc thay đổi triết lý đào tạo. Các trường sư phạm cần điều chỉnh mục tiêu không chỉ là để sinh viên có thể sẵn sàng cho một nghề nghiệp khác, mà còn là vì một nền tảng tri thức rộng, đó chính là điều chúng ta cần ở người giáo viên tương lai. ■

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,104       388