TTO- Vậy là tác giả của 'Tung cánh chim tìm về tổ ấm…' đã đi trọn cuộc đời với dương gian, nơi ông gieo lại những dư âm thật đẹp với Mơ hoa, Ngày về, Quê hương, Lỡ cung đàn, Lỗi hẹn...
Chẳng phải tôi cao đạo hay kiêu căng gì đâu, nhưng thấy khán giả vẫn còn nhớ đến những tác phẩm của mình là vui lắm rồi, xuất hiện trước công chúng bây giờ với tôi như thể cậu bé đứng trước lớp trả bài lần đầu tiên, vậy sẽ chẳng biết phải nói gì bởi mình đã gửi gắm hết qua các tác phẩm của mình rồi, những giai điệu đó vẫn còn được vang vọng trong cuộc sống vậy là đã quá hạnh phúc.
Nhạc sĩ Hoàng Giác
Cũng là lỗi hẹn rồi, khi tôi đã có ý định sẽ ra thăm ông, trong một ngày đầu thu tới đây tại Hà Nội.
Thế hệ của ông, lớp nghệ sĩ đến với âm nhạc bằng sự nghiêm túc và cái chất tài tử trời cho, đã dần dà trở thành người thiên cổ.
Vẫn biết, thời gian trôi, sinh tử là lẽ thường của đời sống, nhưng có khi nào ta thôi hoài niệm về cái đẹp, về những chân dung tỏa sáng giữa đời thường trong tâm khảm của bản thân chúng ta.
Vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc
Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác không nhiều (trên dưới 20 tác phẩm âm nhạc) nhưng với ca khúc nào ông cũng để lại dấu ấn.
Bản thân ông từng tâm sự rằng "Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu".
Thế nhưng, nhắc đến lớp tác giả tiền chiến thì không thể không nhắc đến cái tên Hoàng Giác. Âm nhạc của ông bao giờ cũng ẩn chứa một vẻ đẹp dung dị nhưng lại trang nhã, sâu sắc, từ ca từ, giai điệu đến hình tượng trong tác phẩm.
Ca sĩ Ánh Tuyết
Trọng Tấn hát Ngày về của nhạc sĩ Hoàng Giác
Ông cũng lựa chọn cho mình cách sống như vậy, không phô trương, ồn ã, để có thể cảm nhận đời sống theo cách riêng của mình, và ông đã luôn giữ được niềm hạnh phúc giản đơn mà bình yên đó suốt gần một thế kỷ qua, bên những người thân yêu nhất.
Hơn ai hết có lẽ nhạc sĩ Hoàng Giác là người hiểu rõ xúc cảm "Tung cánh chim tìm về tổ ấm" trong nhạc phẩm Ngày về bất tử của chính bản thân ông.
Sở dĩ tôi vẫn tâm niệm rằng, nhạc sĩ Hoàng Giác là một trong những nghệ sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam, bởi lẽ tuy viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào khi ra đời cũng để lại dấu ấn.
Tôi được biết, mỗi khi có cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Giác thường suy nghĩ rất lâu, đặc biệt ở mỗi bài hát ông luôn luôn có một hai câu thơ làm lời đề từ cho tác phẩm như "Ngày đi trăm nỗi hẹn hò. Ngày về vắng bóng con đò bến xưa" hay "Quê ai khói lửa ngập trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi…".
Đến khi hình thành giai điệu cũng như ca từ, ông đều để người thân, bạn bè nghe đi nghe lại nhiều lần rồi mới hoàn thiện tác phẩm.
Sự chỉn chu và nghiêm túc đó xuất phát từ quan điểm của chính bản thân ông rằng " sáng tạo nghệ thuật là bởi sự rung cảm thực sự của trái tim mình, âm nhạc không có chỗ cho những cảm xúc giả tạo".
Bởi thế, khi không còn cảm hứng, nhạc sĩ Hoàng Giác đã thôi sáng tác, ông chuyên tâm biểu diễn và giảng dạy Tây Ban Cầm, mang âm nhạc đến với cuộc đời qua một hình thức khác.
Những câu chuyện âm nhạc không dừng lại…
Lớp học Tây Ban Cầm của ông tại phố Hàng Bạc suốt một thời gian dài là khoảng không gian khó quên của lớp thanh niên thủ đô nhiều thế hệ, không chỉ đơn thuần là dạy kỹ thuật chơi đàn, ông còn gợi mở cảm xúc cho mỗi người khi đắm mình trong âm nhạc.
Đôi lần đến thăm, tôi vẫn gặp những người học trò cũ - mới ngồi trò chuyện hàng giờ với ông trong căn phòng nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ chỉn chu của nếp sống Hà Thành.
Họ có người là nhạc công, có người là doanh nhân, có người chỉ đơn giản làm lao động phổ thông bình thường, điểm chung là niềm say mê âm nhạc đã được người nhạc sĩ lão thành truyền thụ.
Ca sĩ Ánh Tuyết hát ca khúc Mơ hoa của nhạc sĩ Hoàng Giác
Những câu chuyện âm nhạc đó, tôi nghĩ sẽ không bao giờ dừng lại…
Thời gian qua với sự bùng nổ của các live show, sự kiện âm nhạc tôn vinh các nhạc sĩ, đặc biệt là những nhạc sĩ lão thành có sự đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam; cá nhân tôi được biết có khá nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài nước muốn tổ chức một đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Hoàng Giác tại thủ đô Hà nội thế nhưng ông đều nhã nhặn từ chối.
Bất chợt tôi chợt nhớ tới ca khúc Mơ hoa của ông - một ẩn dụ cho cái đẹp, tượng trưng đầy ước lệ là thế, nhưng sao bao năm qua người ta vẫn say mê , có lẽ những "cô hái hoa" ấy sẽ luôn "dừng bước chân" thật lâu trong tâm hồn mỗi người, khi chúng ta thực sự rung động với muôn vàn cái đẹp hiện hữu giữa đời sống mỗi ngày.
Giờ đây, thể phách tinh anh đó đã rời xa chúng ta, thế nhưng giấc "Mơ hoa" trong tâm cảm người nhạc sĩ yêu đời, yêu người sẽ còn ở lại mãi bên đời…
Với cuộc đời, ngoài những bản tình ca, có lẽ nhạc sĩ Hoàng Giác còn mang đến cho chúng ta một nhà thơ khá nổi tiếng - người từng được mệnh danh là "hoàng tử của thơ tình Việt nam" một thuở, đó là nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, trưởng nam của ông.
Nhạc sĩ Hoàng Giác không hay nói nhiều về con trai. đôi lần gặp gỡ hai cha con, tôi cứ ngỡ họ là bạn văn, và là một tình bạn vong niên bởi sự gần gũi ấm áp nhưng đầy lễ nghĩa qua cách trò chuyện.
Với một người làm nghệ thuật, có lẽ không gì hạnh phúc hơn khi thế hệ tiếp nối tình cảm tư tưởng của bản thân mình lại là những người thân yêu trong gia đình. Nhạc sĩ Hoàng Giác đã thực sự có được hạnh phúc đó.