TTO - Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP sữa VN (Vinamilk-VNM) đã thống nhất tăng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay mức 49%) trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2016 sáng 21-5.
Cổ phiếu Vinamilk luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất sữa bột của Vinamilk tại Bình Dương - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Đây là một trong những nội dung được mong đợi nhất sau nhiều năm VNM kiến nghị nhiều lần về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không được chấp thuận.
Với sự đồng thuận của hai cổ đông lớn nhất hiện đang nằm trong HĐQT là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chiếm 45,06% vốn điều lệ và F&N Dairy Investment Pte Ltd (Singapore) chiếm 11,03% vốn điều lệ, HĐQT Vinamilk đã thông qua nội dung không giới hạn tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, mà không cần đến sự biểu quyết của các cổ đông tham gia đại hội.
Sở dĩ không cần đến sự biểu quyết của cổ đông là do thông tư 123/2015-TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán về trình tự, thủ tục, hồ sơ báo cáo tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng có quy định “chỉ cần biên bản họp và nghị quyết của HĐQT về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài” là được thông qua.
Còn lộ trình, kế hoạch mở room ở mức nào, khi nào thực hiện, sẽ được HĐQT công bố trong thời gian tới.
Trả lời những băn khoăn của cổ đông về việc khi mở room cho nhà đầu tư nước ngoài liệu “có bảo vệ được thương hiệu VNM?” hoặc “có bị các nhà đầu tư nước ngoài mua đứt VNM hay không”, bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc VNM - cho rằng “đây chính là vấn đề trăn trở của VNM nhiều năm nay.
"Thương hiệu của VNM hiện đang được các tổ chức nước ngoài thẩm định khoảng 1,5 tỉ USD, còn giá trị vốn hóa trên thị trường gẩn 8 tỉ USD. Nhưng nhìn ở chiều ngược lại, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào VNM, thì họ cũng chỉ vì thương hiệu VNM. Nên tôi nghĩ không ai mua VNM để xóa thương hiệu của VNM, nhất là khi VNM hiện nay đang là thương hiệu sữa số 1 của VN”, bà Mai Kiều Liên khẳng định.
Trước thắc mắc của cổ đông về việc khi nào SCIC thoái vốn hoàn toàn tại VNM, bà Lê Thị Băng Tâm - chủ tịch HĐQT Vinamilk - cũng cho biết “vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào SCIC, từ kế hoạch có thoái hay không, tỉ lệ thoái như thế nào, khi nào thoái, sẽ do Nhà nước và SCIC công bố”.
Ngoài các nội dung vừa đề cập nói trên, hầu hết những vấn đề khác được HĐQT lấy ý kiến cổ đông đều được thông qua.
Cụ thể, ĐHCĐ thống nhất đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 mức 44.560 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), lợi nhuận sau thuế đạt 8.266 tỉ đồng, tăng lần lượt 11% và 6% so với năm 2015.
Tỉ lệ cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Tạm ứng cổ tức đợt 1-2016 (khoảng tháng 8,9-2016) với tỉ lệ dự kiến 4.000 đồng/cp, đợt hai năm 2016 sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 5,6-2017.
Riêng mức cổ tức còn lại của năm 2015 (đợt 2) sẽ được chi trả ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu, ngày 6-6-2016 là ngày đăng ký cuối cùng.
Phát hành và niêm yết cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ phát hành 5:1 (mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận được 1 cổ phần phát hành thêm), tối đa không quá 241.915.440 cổ phần. Dự kiến ngày cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý 3-2016.
Với người lao động, chương trình cổ phiếu cho người lao động (ESOP) có khoảng 9,43 triệu cổ phần (làm tròn), trong đó sẽ bán 522.795 cổ phiếu quỹ cho người lao động tại VNM, phát hành mới 8,915 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Giá phát hành cổ phần mới và bán cổ phiếu quỹ cho người lao động sẽ bằng 2 lần giá trị sổ sách của công ty được ghi nhận trên báo cáo tài chính gần thời điểm phát hành nhất.
Báo cáo trước cổ đông, bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT VNM, cho biết năm 2015 tổng doanh thu của VNM đạt 40.223 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỉ đồng, tăng lần lượt 14% và 28% so với cùng kỳ năm trước.
VNM đã chi hơn 6.400 tỉ đồng (tương đương 82,3% tổng lợi nhuận sau thuế) để chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2015, với mức cổ tức 6.000 đồng/cổ phiếu.