Kinh tế

Mua hàng Nhật, 
nhận hàng Trung Quốc?

TTO - Cho rằng mình đặt mua máy in (loại dùng trong công nghiệp) “xuất xứ từ Nhật Bản” nhưng nhận về máy “made in China”, Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) đã đưa nhà cung cấp ra tòa để đòi quyền lợi.

Ông Lương Vĩnh Kim bên máy in xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản như thỏa thuận mua bán trong hợp đồng - Ảnh: L.S.
Ông Lương Vĩnh Kim bên máy in xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản như thỏa thuận mua bán trong hợp đồng - Ảnh: L.S.

Tuy nhiên, dựa vào chứng cứ do các bên cung cấp trong phiên xử vào cuối tháng 4 vừa qua, hội đồng xét xử TAND Q.3, TP.HCM xác định cả nhà cung cấp và người mua đều có lỗi, đồng thời tuyên xử hợp đồng mua bán giữa các bên bị vô hiệu. Không đồng tình với kết luận này, ông Lương Vĩnh Kim - giám đốc Saigonbook - cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo để đòi quyền lợi.

Hàng Trung Quốc hay Nhật?

Chỉ tay về phía máy in Konica Minolta C1100 giá trị hàng tỉ đồng bị “trùm mền”, ông Kim cho biết máy này được mua của Công ty TNHH TM-TV-KT Sao Nam (Công ty Sao Nam) với giá trên 3,4 tỉ đồng sau khi được khuyến mãi 20%.

Trong khi đó, một máy in cùng loại cũng của Konica Minolta sản xuất được mua của một công ty phân phối khác với giá chưa đến 1,3 tỉ đồng.

Trước đó, theo ông Kim, sau khi tiếp nhận máy in C1100 mua của Công ty Sao Nam, Saigonbook đã thông báo với các khách hàng, đối tác nhằm quảng bá công nghệ hiện đại cùng loại hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, các đối tác đồng loạt phản hồi việc ông mua máy với giá quá cao khiến giá in ấn cũng bị đẩy lên.

Tá hỏa, ông Kim tìm hiểu lại giá cả từ các đối tác từng mua sản phẩm này mới biết mình bị “mua hố”. Không những bị mua đắt hơn hơn 2 tỉ đồng, sản phẩm ông nhận được có xuất xứ từ Trung Quốc thay vì sản xuất tại Nhật Bản như trong hợp đồng.

Cụ thể, do nghi ngờ máy mình mua không phải hàng Nhật, ông Kim nhờ Văn phòng thừa phát lại Q.Gò Vấp mở máy ra kiểm tra và lập vi bằng (ngày 27-1-2016), kết quả cho thấy phần thân máy cùng các phụ kiện đều có xuất xứ Trung Quốc, thay vì Nhật Bản như cam kết trong hợp đồng.

“Tôi chấp nhận bỏ tiền tỉ vì nghĩ rằng mua máy của Nhật, nếu máy Trung Quốc không bao giờ tôi mua” - ông Kim nói. Quá bức xúc, ông Kim đã khởi kiện nhà cung cấp này để đòi bồi thường với cáo buộc bán hàng giá cao, không đúng xuất xứ, lừa dối về bảo hành, khuyến mãi, chất lượng và dịch vụ liên quan.

Lỗi do không kiểm tra?

Tuy nhiên, trong phiên xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận 3, TP.HCM vừa qua, đại diện Công ty Sao Nam phủ nhận các cáo buộc của Saigonbook.

Theo Công ty Sao Nam, tại thời điểm thanh toán đợt 2 theo hợp đồng đã ký trước đó (HĐ 038), do Saigonbook không đủ khả năng tài chính nên đã tìm kiếm nguồn hỗ trợ thông qua hình thức thuê mua tài sản tại ACBL và đã ký hợp đồng thuê mua tài chính, trong đó ACBL sẽ mua và cho Saigonbook thuê lại máy in C1100.

Do đó, theo Công ty Sao Nam, hợp đồng ký kết ban đầu giữa đơn vị này và Saigonbook mặc nhiên được chấm dứt và hết hiệu lực thi hành.

Theo Công ty Sao Nam, việc Saigonbook khởi kiện Sao Nam về HĐ 038 là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty Sao Nam cũng phủ nhận việc lừa dối về giá cũng như khuyến mãi với lý do giá cả mua bán giữa hai bên đều trên tinh thần tự nguyện. Việc Sao Nam giảm giá 20% (tương đương 800 triệu đồng) là đúng sự thực, phía công ty cũng không cam kết sau khi giảm giá sản phẩm sẽ rẻ hơn khi mua ở công ty cung cấp khác.

Cũng theo Công ty Sao Nam, tại hợp đồng 038, Sao Nam và Saigonbook không đề cập đến xuất xứ mà chỉ ghi là hàng nhập khẩu 100% do Konica Minolta sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi thương vụ này chuyển cho ACBL, ACBL đã soạn thảo hợp đồng và tự thêm chi tiết xuất xứ Nhật Bản vào hợp đồng.

Theo Sao Nam, các bên đã sai khi không kiểm tra lại thông tin này! Hơn nữa, trong bộ chứng từ do Sao Nam nhập khẩu cung cấp cho Saigonbook có thể hiện xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, Sao Nam cho rằng không lừa dối về xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, trong hợp đồng cũng nêu rõ trách nhiệm kiểm tra tài sản khi bàn giao thuộc về Saigonbook, do đó việc không kiểm tra là lỗi của Saigonbook.

Gây nhầm lẫn cho khách hàng

Cũng tại phiên tòa, căn cứ vào trình bày của các bên, hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân quận 3 kết luận rằng giá cả sản phẩm cũng như chính sách khuyến mãi do các bên tự nguyện thỏa thuận và quyết định, điều này phù hợp với Luật thương mại.

Những thông tin về chênh lệch giá bán do Saigonbook đưa ra không phải nguồn chứng cứ do không phù hợp với Bộ luật tố tụng.

Riêng với cáo buộc về xuất xứ hàng hóa, hội đồng xét xử khẳng định máy in do Công ty Sao Nam bán cho Saigonbook có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc Công ty Sao Nam không nói rõ xuất xứ hàng hóa trong bản chào giá gửi cho Saigonbook, cũng như không thông tin cho Saigonbook trước khi ký thỏa thuận mua bán máy là vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, trong đó có nội dung bắt buộc phải thể hiện rõ xuất xứ trên nhãn hàng hóa.

Trong khi đó, tại hợp đồng 03 (thay thế hợp đồng 038) và phụ lục hợp đồng có thể hiện máy có xuất xứ là Nhật Bản, gây nhầm lẫn cho Saigonbook.

Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, phía Saigonbook cũng có lỗi khi không kiểm tra thông tin máy khi được bàn giao.

Do đó, tòa xác định cả phía Công ty Sao Nam và Saigonbook đều có lỗi, đồng thời tuyên xử hợp đồng mua bán giữa các bên bị vô hiệu do nhầm lẫn.

Nhà cung cấp mâu thuẫn?

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim bức xúc cho rằng trong khi xác định hợp đồng ký kết ban đầu (038) không có giá trị và chỉ thừa nhận giá trị của hợp đồng ba bên (HĐ 03), nhưng nhà cung cấp lại viện dẫn thông tin trong HĐ 038 không thể hiện nội dung hàng hóa xuất xứ tại Nhật Bản để từ chối trách nhiệm.

Trong khi thừa nhận giá trị của HĐ 03 nhưng lại cho rằng nội dung thể hiện hàng hóa xuất xứ từ Nhật Bản là... nhầm lẫn! “Điều đó quá mâu thuẫn, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo”, ông Kim cho biết.

LÊ SƠN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        228,206       508