Kinh tế

Méo mặt vì hải sản xuống giá, ngư dân mong bờ ổn định

TTO - Hàng trăm con tàu cập cảng sau nhiều ngày vươn khơi. Và tất cả đều “méo mặt” vì hải sản không được giá như trước kia. Ngư dân muốn người tiêu dùng ăn cá, mong bờ ổn định trở lại để ra khơi.

Nhiều ngư dân Hà Tĩnh khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn cuộc sống trên bờ ổn định để thuyền không nằm bờ - Ảnh: H.K.
Nhiều ngư dân Hà Tĩnh khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn cuộc sống trên bờ ổn định để thuyền không nằm bờ - Ảnh: H.K.

Đời sống ngư dân miền Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn sau vụ cá chết vừa rồi. Ngư dân mong sao “trong bờ” yên ổn để họ yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Ngày 17-5, tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) đang có hàng trăm con tàu cập cảng sau nhiều ngày vươn khơi. Và tất cả đều “méo mặt” vì hải sản không được giá như trước kia.

Ngư dân chúng tôi mong mọi thứ bình yên để bám biển mà sống và cũng mong sớm có câu trả lời vì sao cá chết để tìm giải pháp khắc phục, giúp chúng tôi sớm ổn định cuộc sống của mình

Ngư dân CHU VĂN NGÂN

Chỉ mong ổn định

Đứng bên con thuyền công suất gần 800CV tại cảng cá Thọ Quang, ông Đặng Văn Cường (chủ tàu QNg 98221, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết thuyền của ông vừa mới trở về từ biển Hoàng Sa sau hơn nửa tháng đánh bắt.

“Chuyến biển này cá mực cũng đầy thuyền, nhưng nói thật là anh em bạn thuyền không vui nổi. Giá hải sản bây giờ bán ra không bằng trước kia nên thu nhập của anh em có giảm sút” - ngư dân Cường nói.

Vì vậy, ngư dân Cường mong sao Nhà nước nhanh chóng tìm ra nguyên nhân việc cá chết vừa rồi.

“Vừa qua tôi cũng có nghe một vài nơi xảy ra chuyện tụ tập đông người để phản đối chuyện môi trường, chuyện cá chết chưa hiểu lý do, nhưng thật lòng cũng không biết nhiều thông tin lắm vì công việc quá bận rộn. Cuộc sống của ngư dân chúng tôi cả đời bám biển, mà người đi biển muốn sống được thì người trên bờ phải tiêu thụ cá. Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều thứ rồi, chừ chỉ cần người tiêu dùng ăn cá trở lại là chúng tôi vui vẻ giong thuyền ra biển” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, đời sống trong bờ bình an, trôi chảy thì ông và các ngư dân mới yên tâm ra khơi bám biển dài ngày.

Trong khi đó, trưởng thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Chu Văn Ngân, cũng là ngư dân của làng chài Hải Phong, cho biết qua sự việc cá chết vừa rồi cuộc sống ngư dân gặp không ít khó khăn.

Theo số liệu ông nắm bắt, cả làng Hải Phong sống phụ thuộc vào biển, 80% làm nghề biển, 20% làm nghề buôn bán dịch vụ cũng liên quan tới biển. Bây giờ một số ghe thuyền chưa dám ra biển vì hải sản tiêu thụ chậm, giá giảm nên người dân phải xoay xở tìm một số công việc khác để làm.

Cũng theo ông Ngân, Nhà nước đã có sự hỗ trợ ban đầu bằng gạo nhưng cũng chỉ tạm thời, không thể đáp ứng được các chi tiêu khác như con cái học hành, ốm đau. “Người dân không muốn cứ trông chờ vào Nhà nước đâu, chỉ là bất đắc dĩ. Ngư dân chúng tôi mong mọi thứ bình yên để bám biển mà sống” - ông Ngân nói.

Tại các cảng cá ở Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), hàng chục ngư dân khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn cuộc sống trên bờ ổn định. Đồng thời Nhà nước sớm tìm ra nguyên nhân cá chết, có biện pháp khắc phục, ổn định tâm lý, hướng dẫn để người dân sử dụng hải sản an toàn.

Ngư dân nghèo khó 
chịu thiệt đầu tiên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, nói những ngày qua ông lặn lội về nhiều cảng cá ở miền Trung thì cảm nhận ngư dân đang mang nhiều tâm tư và lo lắng về cuộc sống hiện tại và sắp tới của họ.

“Là người trong cuộc, gắn với ngư dân mấy chục năm nên tôi thấu hiểu sự lo lắng đó. Bây giờ người dân đánh bắt cá ở vùng biển xa, chất lượng cá mực tươi rói, an toàn nhưng về bán không được giá, vì sao? Đó là vì phản ứng dây chuyền của vụ cá chết gần bờ tác động đến tâm lý người tiêu dùng khiến người dân còn e dè khi sử dụng hải sản trong bữa ăn hằng ngày” - ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, qua sự cố môi trường xảy ra ở vùng biển miền Trung, người dân ở nhiều nơi bày tỏ sự bức xúc là chính đáng vì họ đang lo cho cuộc sống của mình và cộng đồng.

Tuy nhiên, phản ứng sự bức xúc của mỗi cá nhân cần có thái độ bình tĩnh, đồng thời khi xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan đến các phản ứng bức xúc của người dân thì cơ quan nhà nước cần khéo léo, tỉnh táo, công tâm để cuộc sống ổn định.

“Chứ sự ồn ào vừa qua nếu tiếp tục kéo dài thì không tốt một chút nào. Sự ồn ào đến mức căng thẳng sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng, khi đó người chịu thiệt đầu tiên và trực tiếp là hàng vạn ngư dân nghèo khó đang bám biển” - ông Lĩnh nói.

“Tôi mong trong bờ thật sự bình yên thì ngư dân đánh bắt xa bờ mới an tâm bám biển dài ngày, chứ một chuyến đầu tư không nhỏ mà về lại bán không được giá thì sao mà sống nổi. Chưa kể ngư dân chúng tôi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa cũng đầy hiểm nguy khi tàu thuyền Trung Quốc đang muốn đánh bại ý chí và nghị lực của ngư dân Việt Nam.

Vậy, làm sao để cá đánh bắt ở vùng biển xa mang về tiêu thụ tốt là bài toán cần phải giải quyết. Ngư dân chỉ cần bán cá được giá là tự động họ sẽ bám biển bảo vệ chủ quyền ngay, chả cần ai khuyến khích” - ông Trần Văn Lĩnh nói.

H.K. - T.TR.
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,881       285