Kinh tế

Ngỡ ngàng với đề nghị nhập gà Trung Quốc

TTO - Trong khi số lượng gà giống sản xuất trong nước đang dư thừa, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lại vừa đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu gà giống từ Trung Quốc với lý do để kiểm soát dịch bệnh (?!).

Đàn gà 5.000 con giống Dabaco (Bắc Ninh) của một trang trại tại huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc
Đàn gà 5.000 con giống Dabaco (Bắc Ninh) của một trang trại tại huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

Trong khi số lượng gà giống sản xuất trong nước đang dư thừa, thậm chí có những thời điểm phải tiêu hủy, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lại vừa đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu gà giống từ Trung Quốc với lý do để kiểm soát dịch bệnh (?!).

Theo nhiều chuyên gia, nếu việc nhập khẩu gà giống Trung Quốc (TQ) được thông qua, ngành chăn nuôi gà trong nước sẽ bị dịch bệnh đe dọa bởi TQ là nơi xuất phát nhiều chủng loại virút cúm gà mới của thế giới, chưa kể chất lượng gà giống TQ rất kém, tỉ lệ chết cao.

Gà thải loại lẽ ra phải tiêu hủy hoặc làm thức ăn chăn nuôi nhưng từng được bán sang VN. Với việc cho nhập gà giống từ Trung Quốc, không loại trừ gà giống chất lượng kém hoặc gà lỗi, có chứa mầm bệnh cũng sẽ được bán rẻ vào VN thời gian tới

Ông TRẦN DUY KHANH (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN)

Nhập gà để kiểm soát dịch bệnh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất nhập gà giống TQ, bà Nguyễn Thu Thủy - phó cục trưởng Cục Thú y - cho rằng nhằm phục vụ yêu cầu... kiểm dịch y tế biên giới, chia sẻ thông tin minh bạch, giám sát vận chuyển động vật qua đường biên giới thông qua việc xuất nhập khẩu và vận chuyển chính ngạch. Tuy nhiên, bà Thủy thừa nhận “Cục Thú y chỉ là cơ quan quản lý về mặt kỹ thuật”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề xuất của Cục Thú y là một nội dung trong dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật” do Bộ NN&PTNT và Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) ký kết ngày 16-9-2015, với mục tiêu phòng chống và quản lý cúm gia cầm độc lực cao H5N1 và các mối đe dọa mới nổi khác.

Và theo dự án đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, các cơ quan liên quan của VN sẽ phối hợp với phía TQ để thực hiện.

Cụ thể, theo quy trình, cơ quan thú y VN và TQ sẽ phối hợp xác định vùng an toàn dịch bệnh với sự tham gia đánh giá của FAO, trước khi xây dựng dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhiễm vào VN và an toàn thực phẩm cho người.

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Cục Thú y về việc kiểm tra và kết quả đánh giá tại nước xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ quyết định có cho phép nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ TQ hay không.

Trong khi các thủ tục nhập gà TQ đang được các cơ quan chức năng xúc tiến, ngày 
13-5 giá gà công nghiệp tại Đồng Nai - vùng chăn nuôi gia súc gia cầm lớn nhất nước - đã rớt xuống còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi gà lại bước vào đợt thua lỗ mới sau thời gian ngắn có lãi ở mức thấp.

“Giá gà xuống thấp có nghĩa là gà trong nước đang dư thừa. Chúng ta đã sản xuất được gà giống vượt mức cần thiết thì nhập khẩu từ TQ về làm gì nữa?” - giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai bức xúc.

Anh Trần Kiếm Hoa (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) kiểm tra đàn gà con của gia đình   - Ảnh: A Lộc
Anh Trần Kiếm Hoa (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) kiểm tra đàn gà con của gia đình - Ảnh: A Lộc

Gà phải tiêu hủy, nhập để làm gì?

Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng bộ phận kinh doanh Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư (Bình Định), cho biết TQ có hai giống gà nổi tiếng đã được nuôi tại VN từ lâu là giống gà Lương Phượng và gà tam hoàng.

Hiện các công ty sản xuất giống gia cầm trong nước đã tự sản xuất được hai giống gà này nên không cần phải nhập khẩu từ TQ nữa. “Nếu muốn cải thiện chất lượng giống gà VN, phải nhập những giống gà nổi tiếng trên thế giới từ Pháp, Mỹ để lai tạo chứ không ai nhập gà từ TQ” - ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Long Bình (Đồng Nai), cũng cho hay giống gà công nghiệp VN đã sản xuất dư thừa cho nhu cầu trong nước, nhiều thời điểm các công ty phải tiêu hủy vì không bán được hàng. Do đó, việc nhập khẩu gà từ TQ là không cần thiết và khó hiểu.

Một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho rằng đề xuất nhập khẩu gà giống từ TQ của Cục Thú y là vô lý và gây nguy hiểm cho ngành chăn nuôi trong nước. Bởi hiện nay các công ty trong nước đã đầu tư nghiên cứu và cơ sở vật chất để sản xuất con giống đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước.

Chỉ riêng lĩnh vực gà công nghiệp ở phía Nam, năm công ty lớn (CP, Emivest, CJ, Bel Gà và Japfa) đã cung cấp ra thị trường gần 2 triệu con gà giống/tuần, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăn nuôi của người dân và doanh nghiệp.

Theo vị này, có những thời điểm tiêu thụ gà chậm, các công ty buộc phải tiêu hủy gà giống một ngày tuổi vì không biết bán đi đâu.

Hơn nữa, sản xuất gà giống trong nước tuân theo quy trình quản lý chặt chẽ của thú y và phải truy xuất nguồn gốc từ khi xuất bán đến trại nuôi, nên kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều so với nhập khẩu gà từ TQ không rõ nguồn gốc và chất lượng.

Hơn nữa, giá thành sản xuất gà của TQ cao hơn của VN nên việc đưa gà giống từ TQ về VN là vô lý. Cụ thể, theo khảo sát của hiệp hội này, giá gà giống một ngày tuổi của TQ đang ở mức 19.000 đồng/con, trong khi ở VN chỉ là 9.000 - 10.000 đồng/con (phía Nam) và 17.000 - 18.000 đồng/con (phía Bắc).

“Nếu tính cả phí vận chuyển, kiểm dịch, hao hụt..., gà giống TQ về VN phải trên 20.000 đồng/con, làm sao cạnh tranh với giá gà giống trong nước?” - vị đại diện này thắc mắc.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, ngay cả trong trường hợp gà giống TQ rẻ hơn VN, vấn đề chất lượng cũng phải đặt lên hàng đầu khi xem xét cho phép nhập khẩu hay không.

Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết vào năm 2012, tình trạng gà thịt thải loại của TQ tràn vào VN khiến ngành nuôi gà của VN điêu đứng, dù rằng giá thành nuôi gà TQ cao hơn VN.

Nguy cơ dịch bệnh tràn vào VN

Ông Nguyễn Thanh Phi Long cho rằng TQ là quốc gia có nhiều dịch bệnh trên gà, đây cũng là nơi xuất phát nhiều chủng loại virút cúm gà mới của thế giới, nên việc nhập khẩu gà giống từ nước này sẽ là bước đi thiếu thận trọng, gây nguy hiểm cho ngành chăn nuôi VN.

“Về nguyên tắc, ngành chăn nuôi của một quốc gia sẽ không nhập khẩu gà giống từ một quốc gia khác, nơi thường xuyên có dịch bệnh như vậy” - ông Long nói. Bà Nguyễn Thu Thủy cũng thừa nhận khảo sát gà giống một ngày tuổi nhập tiểu ngạch từ TQ về VN thời gian gần đây cho thấy có chất lượng kém, chết yểu nhiều và tỉ lệ tăng trọng thấp.

Ông Trần Duy Khanh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cho biết những giống gà tốt nhất trên thế giới đều đã được nhập về VN như gà siêu trứng, gà siêu thịt... “TQ không phải là nơi cung cấp con giống tốt.

Vậy mục đích cho phép nhập chính ngạch gà giống TQ để làm gì Bộ NN&PTNT phải làm rõ. Nếu cho nhập, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước hay chưa?” - ông Khanh thắc mắc.

Cũng theo ông Khanh, các nước chỉ nhập khẩu con giống tối thiểu từ đời bố mẹ trở lên về sản xuất gà con rồi bán ra thị trường nuôi gà thương phẩm (lấy thịt, trứng), chứ không cho phép nhập gà giống về nuôi thương phẩm.

Từ trước đến nay, VN cũng cấm nhập giống gà thương phẩm của Mỹ, Pháp mà chỉ khuyến khích nhập gà giống cụ, kỵ, giống bố mẹ để cải thiện chất lượng giống gà trong nước và sản xuất gà giống chất lượng cao.

“Gà thương phẩm nhập về không được phép nhân làm giống, lai tạo mà chỉ nuôi xong rồi giết thịt. Khi nuôi làm giống, sản sinh ra gà con có năng suất rất kém, nguy cơ dịch bệnh cao, hiệu quả kinh tế không có” - ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Chiến, giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), cho rằng nếu cho nhập gà giống và gà thịt từ TQ mà không đưa ra các điều kiện về tiêu chuẩn sản phẩm, chắc chắn người chăn nuôi gia cầm trong nước phá sản hàng loạt.

Dịch bệnh từ gà nhập sẽ rất dễ tràn vào, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng VN. “Chất lượng con giống gia cầm của VN nuôi thương phẩm đang rất tốt, giá cả ổn định, vì sao phải nhập từ TQ?” - ông Chiến đặt vấn đề.

Sẽ kiểm soát theo quy trình tương tự như 
nhập từ châu Âu

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, nếu việc nhập khẩu gà giống chính ngạch từ TQ được chấp thuận, quy trình nhập khẩu cũng áp dụng tương tự như nhập từ châu Âu, Mỹ, đồng thời phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Do đó nếu được thông qua cũng không thể một sớm một chiều mà gà TQ sẽ được nhập khẩu vào VN ngay.

Gà thịt nhập từ Trung Quốc 
vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ

Ông Trần Duy Khanh cho biết TQ đang thiếu thịt gà nên phải nhập từ nhiều nước. Thế nhưng thời gian qua các loại thịt gà TQ vẫn vào thị trường VN do khâu quản lý có vấn đề.

Theo ông Khanh, mỗi năm có khoảng 3 triệu tấn chân, cánh, đùi, mề gà... được tạm nhập vào VN để tái xuất, nhưng nhiều lô hàng đã không được tái xuất mà đưa ra tiêu thụ trên thị trường, khiến người chăn nuôi VN điêu đứng và người tiêu dùng trong nước đang bị đầu độc.

“Vai trò quản lý của các cơ quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, hải quan... như thế nào, hay cứ mở ra để sau này người dân và người chăn nuôi VN rồi cả nền kinh tế phải gánh chịu?” - ông Khanh băn khoăn.

TRẦN MẠNH - LÊ THANH - LAN ANH
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,375       676