Kinh tế

Người Việt liên quan Tài liệu Panama: Đưa vào tầm ngắm chống lách thuế

TTO - Vụ người Việt liên quan đến “Tài liệu Panama”, lãnh đạo cơ quan thuế cho biết hàng loạt DN từ các “thiên đường thuế” như Panama, Đảo Cyprus, đặc biệt là British Virgin Islands (BVI)...,đang được đưa vào tầm ngắm chống chuyển giá.

Không chỉ các tổ chức và cá nhân VN lập doanh nghiệp (DN) bình phong tại các “thiên đường thuế” như “tài liệu Panama” công bố, nhiều dự án đầu tư vào VN với quy mô lớn cũng do các DN đăng ký ở các “thiên đường thuế” này thực hiện.

Cùng với việc lập tổ công tác điều tra những tổ chức và cá nhân tại VN có tên trong “tài liệu Panama”, lãnh đạo cơ quan thuế cũng cho biết hàng loạt DN từ các “thiên đường thuế” như Panama, Đảo Cyprus, đặc biệt là British Virgin Islands (BVI)..., cũng đang được đưa vào tầm ngắm chống chuyển giá.

Đối với các cá nhân và tổ chức VN có tên trong “tài liệu Panama”, theo tôi, Bộ Tài chính cần sớm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư... xem xét kiểm tra, có sai phạm hay không phải được công bố công khai
Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

“Thiên đường thuế” rót hàng chục tỉ USD vào VN

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và đầu tư, riêng trong năm 2015 các DN đăng ký hoạt động tại BVI đứng thứ 8 trong danh sách đầu tư vào VN, trên cả Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga...

Lũy kế đến ngày 31-12-2015 (còn hiệu lực), Hàn Quốc vẫn đứng số 1 trong danh sách đầu tư vào VN với trên 45 tỉ USD, Nhật Bản thứ 2 với 38 tỉ USD, BVI đứng thứ 5 với trên 19 tỉ USD, chỉ sau Singapore và Đài Loan. Đảo Cyprus cũng đã đứng vị trí thứ 24 trong danh sách những nhà đầu tư lớn nhất vào VN, trên cả Ý, Bỉ, Áo... Riêng Panama đứng vị trí còn khiêm tốn, thứ 54, trên Israel, Tây Ban Nha...

Ngoài ra, Singapore và Hong Kong cũng là những địa chỉ mà các nhà đầu tư thường đặt đại bản doanh để đầu tư vào các nước khác bởi có mức thuế thấp, điều kiện thuận lợi cho kinh doanh...

Thống kê của FIA cũng cho biết đến ngày 31-12-2015, đầu tư xuất phát từ Singapore vào VN đạt mức 35 tỉ USD (đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản), trong khi Hong Kong đứng thứ 6 với 15 tỉ USD. Ngay cả đại gia Casino của Pháp cũng lập DN ở Hong Kong để đầu tư chuỗi bán lẻ Big C tại VN, thay vì trực tiếp đầu tư từ Pháp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia chống chuyển giá của ngành thuế cho biết việc lập công ty tại những “thiên đường thuế” nhằm “lách” thuế không phải mới.

Theo vị này, thuế suất thuế thu nhập DN hiện nay tại VN là 20%, trong khi nhiều quốc gia khác chỉ trên dưới 10%, thậm chí nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Andorra, BVI... là 0%. Theo vị này, DN tại VN cũng như nhiều quốc gia khác xài chiêu lập thêm DN ở các “thiên đường thuế” nhằm hợp thức hóa giao dịch về mặt mua bán hoặc ký kết hợp đồng, trong khi các giao dịch khác thực hiện thông qua các công ty liên kết.

Liên tục báo lỗ để lách thuế?

“Từ lâu cơ quan thuế đã đặt nghi vấn chiêu thức đặt trụ sở ở các “thiên đường thuế” do doanh thu của những DN này tăng theo chiều thẳng đứng nhưng cứ liên tục khai lỗ” - một lãnh đạo ngành thuế nói.

Theo vị này, thủ thuật lách thuế được các DN áp dụng phổ biến là lập công ty mẹ hoặc công ty con ở các “thiên đường thuế”, công ty tại VN sẽ bán sản phẩm cho công ty ở các “thiên đường thuế” với giá bằng hoặc thấp hơn giá gốc để tránh nộp thuế tại VN. Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi nhưng không phải nộp thuế hoặc chịu mức thuế thấp.

Theo luật sư Đào Đức Trung - Công ty luật Đặng Dung, nhiều tập đoàn lớn đã mở DN ở các “thiên đường thuế”, từ đó đầu tư vào VN thay vì trực tiếp đầu tư từ công ty mẹ ở chính quốc nhằm hưởng ưu đãi thuế khi chuyển doanh thu và chuyển lợi nhuận về các “thiên đường thuế” này, nói cách khác là tránh thuế.

“Nếu họ chuyển giá, tự đặt ra mức giá bán cho công ty con ở VN rất cao để công ty con tại VN lỗ, trong khi công ty mẹ ở “thiên đường thuế” lãi lớn, những DN sẽ tránh được thuế thu nhập DN ở VN vừa không phải nộp thuế tại các “thiên đường thuế”. Ngành thuế cần có giải pháp để bịt kẽ hở này, chống chuyển giá hiệu quả” - ông Trung khuyến cáo.

Để đối phó với chuyện lách thuế, theo ông Lê Khánh Lâm - phó tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế RSM DTL, nhiều quốc gia đưa ra các quy định hoặc khuyến nghị rằng đối với những giao dịch quốc tế hoặc những giao dịch liên quan đến thuế sẽ cân nhắc rằng thu nhập mà những DN đó phân bổ để lại ở quốc gia nào, dựa vào về mặt “nội dung” của giao dịch đó hơn là về mặt hình thức.

“Chẳng hạn, nếu nơi DN thành lập ra mà không có nhân viên, không có cơ sở làm việc..., quốc gia nơi DN này đầu tư có quyền không công nhận giao dịch đó và bắt phân phối lại lợi nhuận chứ không cho chuyển lợi nhuận về nước” - ông Lâm nói.

Thay đổi địa điểm đầu tư ra nước ngoài phải được cho phép

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hữu Thắng - nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết đến thời điểm hiện nay, VN vẫn chưa cấp phép đầu tư sang một số quốc gia thuộc “thiên đường thuế” mà các doanh nghiệp hoặc cá nhân VN xuất hiện trong “tài liệu Panama” công bố rằng mở tài khoản để đầu tư ra nước ngoài.

Hơn nữa, theo quy định, khi có bất cứ thay đổi nào về địa điểm đầu tư, số vốn hay mục đích đầu tư từ bất động sản sang dịch vụ chẳng hạn, nhà đầu tư phải xin sửa đổi và cấp lại giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với phần sửa đổi đó. Do đó, theo ông Thắng, nếu được cấp phép đầu tư sang Mỹ, nhưng doanh nghiệp lấy tiền này đầu tư sang nước thứ ba là không đúng mục đích.

C.V.K.

Ông Trương Văn Phước - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Ông Trương Văn Phước (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):

Cần đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá

Liên quan đến thông tin 20 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào VN thông qua các “thiên đường thuế” - những quốc gia và vùng lãnh thổ không thu thuế hoặc thu ở mức rất thấp - để tránh thuế nộp vào VN, ông Trương Văn Phước cho rằng pháp luật thuế VN quy định chặt chẽ để kiểm soát.

Theo đó, nhà đầu tư dù trong nước hay nước ngoài, nếu phát sinh lợi nhuận tại VN phải có nghĩa vụ đóng thuế cho VN. Nếu có chuyện một số nhà đầu tư tránh thuế bằng việc mở công ty qua “thiên đường thuế”, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống pháp luật về thương mại, đầu tư, đặc biệt về thuế, xem có hoạt động chuyển giá, trốn thuế hay không.

Cũng theo ông Phước, đối với các cá nhân và tổ chức VN có tên trong “tài liệu Panama”, Bộ Tài chính cần sớm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư... xem xét kiểm tra, có sai phạm hay không phải được công bố công khai.

Tuy nhiên ở góc độ quản lý ngoại hối, VN quy định chặt chẽ đối với vốn đầu trực tiếp và cả vốn đầu tư gián tiếp. Việc chuyển tiền ra nước ngoài, dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật quản định ngoại hối, tức là phải xin phép Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước. VN đã tự do hóa giao dịch vãng lai từ năm 2005, nhưng để có thể chuyển tiền ra nước ngoài phải có đầy đủ chứng từ chứng minh.

L.THANH

CẦM VĂN KÌNH - ÁNH HỒNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,430       840