Kinh tế

Sẽ xem xét thận trọng việc siết vốn vào bất động sản

TTO - Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp hôm nay (29-4).

Việc sửa đổi Thông tư 36, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, là cần thiết do thời gian qua thị trường bất động sản đã có đà phục hồi tốt - Ảnh: Việt Dũng

Trước quá nhiều kiến nghị của các ngân hàng cũng như Hiệp hội về sức ảnh hưởng của việc sửa đổi thông tư 36 về việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% qua đó hạn chế dòng vốn vào thị trường bất động sản, phát biểu tại hội nghị ông Lê Minh Hưng khẳng định việc sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết do thời gian qua thị trường bất động sản đã có đà phục hồi tốt, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đã tăng rất nhanh qua các năm.

Xem thông tư 36 TẠI ĐÂY

Xét trong bối cảnh hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế để sản xuất kinh doanh, đặc biệt nhu cầu vốn trung dài hạn là rất lớn. Trong khi nguồn vốn này rất hạn chế cho vậy phải hướng nguồn vốn này vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Cụ thể năm 2012 dư nợ bất động sản tăng 14%, năm 2013 tăng hơn 15%, năm 2014 tăng gần 20%, năm 2015 tăng 26%, trong đó tín dụng trung dài hạn cho bất động sản cũng tăng đến 29%. Cho đến nay tín dụng bất động sản đã tăng 3,9%, cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Theo ông Hưng, quy định này cũng nhằm hạn chế rủi ro về thanh khoản đối với tổ chức tín dụng do hiện nay vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Tuy nhiên trước ý kiến của các NH và các hiệp hội NHNN sẽ xem xét rất thận trọng và kỹ lưỡng về lộ trình, thời điểm, liều lượng và sẽ có công bố sớm để các DN, NH chuẩn bị.

Về lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cho biết ngày 27-4 vừa qua NHNN đã làm việc với nhóm NH thương mại lớn có tỉ trọng huy động và cho vay lớn trên thị trường để yêu cầu các NH tiết giảm tối đa chi phí hoạt động có thể tiếp tục giảm LS cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau khi họp các NH thương mại lớn đã rất đồng thuận, và có các công bố giảm lãi suất.

Cụ thể, BIDV công bố giảm LS cho vay ngắn hạn từ 0,3-0,5%/năm, LS trung dài hạn tối đa là 10% đối với khách hàng tốt, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. NH BIDV cũng giãm 500-600 tỉ lợi nhuận để hỗ trợ cho DN.

Vietcombank cũng dự kiến giảm LS cho vay trung dài hạn xuống mức tối đa 10%/năm đối với khách hàng tốt, ưu đãi LS trong vòng 1 năm và cam kết tiết giảm 300 tỉ để phục vụ việc giảm LS cho vay. NH Vietinbank cũng cam kết giảm LS từ 0,5-1% đối với lĩnh vựctrọng điểm theo khuyến khích của Chính phủ. Agribank cũng triển khai một số chương trình cho vay ưu đãi LS thấp.

Sau cuộc họp hôm nay các NH cổ phần lớn sẽ công bố các chính sách LS thông qua việc tiết giảm chi phí. 

Tới đây NHNN sẽ điều hành lãi suất theo hướng mở room nhưng đi đôi với an toàn, hiệu quả, kịp thời cảnh báo những NH có tớc độ tăng tín dụng cao tập trung vào những lĩnh vực rủi ro, có tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao.

NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến vĩ mô để điều hành tỉ giá sao cho đảm bảo kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế VND. Khi có các biến động sẽ thực hiện can thiệp kịp thời kết hợp với giải pháp cụ thể để ổn định thị trường ngoại hối và tiền tệ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tăng cường thanh tra giám sát để đảm bảo an toán hoạt động của tổ chức tín dụng hiệu quả và an toàn.

Ngay sau cuộc họp hôm nay NHNN sẽ ban hành chỉ thị để đảm bảo hoạt động thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống. Với kiến nghị của các DN, hiệp hội NHNN sẽ có xem xét, cân nhắc để có sửa đổi phù hợp. 

A.HỒNG - T.V.NGHI
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,679       275