TTO - Tàu Lifeline sẽ bị chính quyền Ý tịch thu nếu cập cảng nước này với 226 người di cư được cứu vớt trên Địa Trung Hải. Đây là động thái cảnh cáo nghiêm túc với các tổ chức cứu vớt người vượt biên bằng đường biển.
Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini trong cuộc họp báo ngày 20-6 ở Rome - Ảnh: REUTERS
Con tàu thuộc Mission Lifeline - một tổ chức phi chính phủ đăng ký ở Đức nhưng lại treo cờ Hà Lan, đã phát đi yêu cầu được cập vào một trong các bến cảng của Ý sau khi cứu vớt người di cư từ hai xuồng cao su ngoài khơi Libya.
Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini - một người có quan điểm cứng rắn với nhập cư, khước từ và yêu cầu tàu Lifeline hãy chạy tới Hà Lan bởi vì nó treo cờ Hà Lan. Trong một tuyên bố, ông Salvini khẳng định đã nói chuyện với Đại sứ Hà Lan tại Ý, nhấn mạnh những người di cư trên tàu Lifeline "sẽ chỉ được nhìn thấy nước Ý trên bưu thiếp".
Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Giao thông vận tải Ý Danilo Toninelli. Ông này cho rằng quá nguy hiểm để một con tàu dài 32m thực hiện hải trình dài tới Hà Lan với hơn 200 người trên đó.
Ông Toninelli, người chịu trách nhiệm luôn lực lượng tuần duyên Ý, khẳng định những người di cư trên tàu Lifeline sẽ được chuyển sang tàu tuần duyên Ý trước khi tịch thu nó.
Chính quyền Hà Lan sau đó cũng lên tiếng phủ nhận trách nhiệm với tàu Lifeline. "Họ treo cờ Hà Lan nhưng không đăng ký ở đây nên chúng tôi không có trách nhiệm gì với họ", đài DW của Đức đưa tin ngày 22-6.
Sự việc sau đó khiến người ta khá bối rối khi Mission Lifeline đưa ra hình ảnh chứng minh tàu Lifeline đã được đăng ký ở Hà Lan.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ số phận của tàu Lifeline và hàng trăm người di cư trên đó. Theo người phát ngôn của Mission Lifeline Axel Speier, tất cả những người được cứu vớt, bao gồm 14 phụ nữ và 4 trẻ nhỏ, vẫn đang trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Quyết định cứu vớt những người này được cho là đi ngược lại yêu cầu của chính quyền Ý. Theo đó, tàu Lifeline phát hiện 2 tàu cao su chở người di cư châu Phi đang thả trôi trên Địa Trung Hải vào sáng sớm 21-6. Con tàu sau đó phát đi các tín hiệu hỗ trợ và nhận được sự phản hồi từ chính quyền Ý rằng tàu của tuần duyên Libya sẽ cứu những người này.
Tuy nhiên, cho rằng Libya không phải là nơi an toàn, tàu Lifeline đã quyết định vớt những người di cư.
"Quý vị đã cố tình không nghe cảnh báo của nhà chức trách Ý hay Libya. Tốt thôi. Hãy chở những con người này tới Hà Lan đi", ông Salvini phát biểu đầy cứng rắn trên Facebook cá nhân, không quên nhấn mạnh tàu Lifeline đã làm một chuyện ngu xuẩn khi nhồi nhét hơn 200 con người trên một con tàu "chỉ có sức chứa 50 người".
Seefuchs, tàu cứu người di cư bằng đường biển của tổ chức Sea Eye đăng ký ở Đức đã ngừng sứ mệnh của nó vì chính sách cứng rắn của tân chính phủ Ý - Ảnh chụp màn hình DW
Hầu bao hay trách nhiệm?
Cuối tuần qua chứng kiến màn tranh cãi kịch liệt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý theo đường lối dân túy Giuseppe Conte.
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Ý từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranée giải cứu trên Địa Trung Hải. Nhiều người đồng tình với chỉ trích của ông Macron, cho rằng chính phủ mới của Ý quá cay nghiệt.
Số khác lại ủng hộ quyết định của thủ tướng Conte khi nhìn vào thực tế nước Ý đang gồng mình tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư bất hợp pháp trong nhiều năm qua.
Không ai nhìn ra việc nên giải quyết vấn đề này ngay từ trong trứng nước: chấm dứt nạn buôn người và vượt biên từ Bắc Phi.
Sự bất ổn tại Bắc Phi, Trung Đông đã đẩy dòng người đến châu Âu ngày càng tăng, với đỉnh điểm vào năm 2014. Nhưng để trả lời tại sao các khu vực này không ổn định, châu Âu và Mỹ là người biết rõ đáp án.
Rõ ràng là các nước như Ý đã quá mệt mỏi với chuyện tiếp nhận người di cư bất hợp pháp. Người ta cứ xuống tàu, với niềm tin rằng họ sẽ được cứu vớt trên biển, được đưa về đất liền châu Âu và nếu may mắn có thể ở lại lục địa già. Niềm tin đó đã khiến các trung tâm tiếp nhận của Ý quá tải, bộ máy phúc lợi xã hội oằn gánh, nguy cơ những bất ổn xã hội ngày càng tăng.
Với một số người châu Âu, đã tới lúc nên dẹp sang một bên cái gọi là trách nhiệm quốc gia khi hầu bao của họ đang ngày càng bó hẹp.