TTO - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng ứng dụng bất kỳ công nghệ nào trong nông nghiệp mà cứ làm manh mún, mỗi người làm một kiểu thì cứ nghèo hoài.
Đại biểu dự hội thảo thăm quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: K.T
Phát biểu trên của giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra tại hội thảo ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiều 18-6.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, vụ trưởng Vụ Khoa học - Công ngh, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chính phủ rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
"Tiến độ xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đạt kế hoạch", tiến sĩ Thủy nói.
Tiến sĩ Thủy cho biết theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Hậu Giang và Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Theo bà Thủy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng cao cho 25 doanh nghiệp nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Luật Công nghệ.
Giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết từ buổi ban sơ phát minh ra công nghệ di truyền, cho đến công nghệ cao vi sinh, mỗi giai đoạn đều có giá trị, ý nghĩa riêng.
"Nhưng dù giai đoạn nào, ứng dụng bất kỳ công nghệ nào mà cứ làm manh mún, mỗi người làm một kiểu thì cứ nghèo hoài", giáo sư Xuân chia sẻ.
Theo đề xuất của giáo sư Xuân, làm gì thì làm, nông dân phải đoàn kết, cùng một chí hướng vươn lên phía trước.
"Tôi tâm đắc với chỉ đạo, quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi thành lập những khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", giáo sư Xuân chia sẻ.
Đồng tình với chia sẻ này, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc liên kết nông dân lại với nhau rất quan trọng.
"Một doanh nghiệp không thể đi ký hợp đồng tiêu thụ, đầu tư với 50.000 nông hộ sản xuất. Chỉ có vai trò của hợp tác xã mới làm được việc này", tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Theo ông Lịch, trong ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, muốn phát triển trồng trọt, quan trọng là giống. Muốn chăn nuôi mạnh, quyết định là thức ăn. Nhưng nhưng dường như chúng ta đã quên điều này.
"Như tại Sóc Trăng, nhờ kiên trì ứng dụng công nghệ vào lai tạo, nghiên cứu mà tỉnh có được những giống lúa thơm ST chất lượng", ông Lịch nói.