Nếu bạn bị rung nhĩ, bạn có thể có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi.
Ảnh minh họa. Nguồn: umich.edu
Để hiểu thế nào là bệnh rung nhĩ, trước hết, phải biết về cấu tạo của trái tim: Trái tim của bạn là một khối cơ rỗng, cơ tim co bóp được là nhờ các xung động điện kích thích đều đặn được phát ra từ chính quả tim.
Quả tim có 4 buồng. Hai buồng ở trên là tâm nhĩ. Tâm nhĩ phải nhận máu trở về từ các cơ quan trong cơ thể; tâm nhĩ trái nhận máu từ phổi. Hai tâm thất nằm dưới tâm nhĩ, nhận máu từ các tâm nhĩ tương ứng. Tâm thất phải đưa máu lên phổi để máu trao đổi ôxy. Tâm thất trái bơm máu giàu ôxy (sau khi được tâm thất phải bơm qua phổi để hấp thụ khí ôxy và thải khí cacbonic) đi đến các cơ quan trong cơ thể.
Nút xoang là nút chủ nhịp của quả tim. Nó là một tập hợp các tế bào cơ tim biệt hóa đặc biệt nằm ở phía trên tâm nhĩ phải, sát với nơi đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Bình thường nút xoang có khả năng đều đặn phát ra các xung động điện. Những xung động này sau đó được dẫn truyền đến các tế bào cơ tim lân cận và theo hệ thống dẫn truyền lan đi, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng.
Thông thường mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện lan toả ra tâm nhĩ trước làm cho tâm nhĩ đang chứa đầy máu co lại, tống máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện lại đi theo một hệ thống dẫn truyền tới tâm thất làm cho hai tâm thất co bóp cùng một lúc. Khi tâm thất phải co, máu được đẩy lên phổi. Khi tâm thất trái co, máu đi đến các cơ quan trong cơ thể. Vì thế khi tim co bóp đều đặn, máu được đưa nhịp nhàng đi đến khắp các cơ quan của cơ thể bạn.
Những xung động điện này chỉ huy tim của bạn đập đều đặn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời. Bình thường, tim đập khoảng 60 - 100 lần/phút khi nghỉ và nhanh hơn khi gắng sức.
Nếu quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, sẽ dẫn đến co bóp của tim sẽ bị rối loạn. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng bệnh lý này được ta gọi là rung nhĩ.
Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 400 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà "rung lên" nên bơm máu không hiệu quả. Ngoài việc làm rối loạn co bóp cơ ở nhĩ, nếu tất cả những xung động này đều được truyền xuống tâm thất thì cũng sẽ gây hiện tượng tương tự ở nhĩ, làm cho tim không bơm được máu ra khỏi tim, có thể gây tụt huyết áp đột ngột thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trên thực tế, những xung động này bị chặn một phần khi truyền qua nút nhĩ thất để xuống 2 tâm thất (nằm trong hệ thống dẫn truyền).
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều xung động của rung nhĩ vẫn đi qua được để xuống tới tâm thất và làm cho tâm thất đập nhanh và không đều dù vẫn còn chậm hơn tần số nhịp xung trên tầng nhĩ (thường <160 lần/phút).
Yếu tố nguy cơ chính của rung nhĩ
- Tuổi trên 60;
- Tăng huyết áp;
- Bệnh động mạch vành;
- Suy tim;
- Bệnh lý van tim;
- Tiền sử phẫu thuật tim mở;
- Ngừng thở khi ngủ;
- Bệnh lý tuyến giáp;
- Đái tháo đường;
- Bệnh phổi mạn tính;
- Lạm dụng rượu/sử dụng chất kích thích;
- Nhiễm trùng/bệnh lý nội ngoại khoa nặng.
Triệu chứng của rung nhĩ
Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu.
Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh.
Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.
Chẩn đoán rung nhĩ
- Chẩn đoán bằng điện tâm đồ - đây là một xét nghiệm thường quy.
- Có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ.
- Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán.
Mục tiêu điều trị rung nhĩ
Phòng ngừa biến chứng do rung nhĩ gây ra: vì rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não. Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu.
Chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất:
+ Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cơn hoặc cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện.
+ Khi bị rung nhĩ mạn tính, việc chuyển về nhịp bình thường khó khăn và hay tái phát nếu chuyển nhịp thành công. Đa số bệnh nhân bị rung nhĩ mạn tính được dùng thuốc, nhằm mục đích kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất. Việc dùng thuốc, dùng biện pháp can thiệp qua da hay phẫu thuật phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh và các bệnh kèm theo.
Chống đông trong rung nhĩ - phòng ngừa đột quỵ
- Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông.
- Thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não.
- Thuốc chống đông có nguy cơ chảy máu.
Các loại thuốc chống đông: Thuốc kháng vitamin K; thuốc kháng đông mới (ức chế trực tiếp Thrombin, thuốc ức chế yếu tố Xa). Mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.
Người bệnh rung nhĩ nên có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Ít muối và hạn chế chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật; ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…
- Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.
- Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Do béo phì thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
- Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.
- Uống rượu vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly.
- Theo dõi và khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời khi tình trạng bệnh nặng hơn.