Sống khỏe

Nhà báo và tin giả: Cá sống, văcxin và thịt người

TTO - Trước đây báo chí cung cấp tin tức đầu tiên, còn bây giờ là mạng xã hội - nguồn tin vô tận nhưng tin giả (fake news) phát tán với quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Để ngăn chặn tin giả, báo chí đã phải sử dụng nhiều công cụ sàng lọc.

Nhà báo và tin giả: Cá sống, văcxin và thịt người - Ảnh 1.

Phim X-quang của bệnh nhân nhiễm sán gạo, không phải sán dây - Ảnh: CEN

Tổ chức Mạng lưới đạo đức nghề báo (EJN) có trụ sở ở Anh đã định nghĩa về tin giả như sau: "Tin giả là thông tin được thực hiện và cố ý xuất bản nhằm mục đích lừa dối và khiến bên thứ ba tin vào điều dối trá hoặc nghi ngờ sự kiện có thể kiểm chứng". 

Theo phân tích của báo Le Monde (Pháp) công bố vào tháng 9-2017, trong 101 đề tài tin giả trên Facebook được khảo sát, thông tin về sức khỏe con người lại là thể loại phát sinh nhiều tin giả nhất.

52% số nhà báo được hỏi khẳng định tin giả đang trở thành vấn đề nghiêm trọng.

(Công ty quan hệ công chúng Cision ở Mỹ)

Ăn cá sống bị nhiễm sán đầy người

Một người đàn ông ở Quảng Đông (Trung Quốc) bị đau ở dạ dày và ngứa ngáy dưới da. Sau khi xem phim chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ăn quá nhiều sashimi (hải sản sống cắt lát) nên đã bị nhiễm sán. 

Tin ban đầu xuất hiện năm 2014 trên trang web hk.on.cc của Trung Quốc với phim chụp X-quang. Sau đó, nhiều báo phương Tây như Daily Mail (Anh), BuzzFeed (Mỹ), Le Matin (Thụy Sĩ), Sud Info (Bỉ), Sciences et Avenir (Pháp) đăng lại.

Ngày 1-2-2016, tạp chí y học Santé+ ở Pháp đăng tin này trên Facebook kèm theo lời cảnh báo: "Nếu ăn cá không nấu đủ chín, bạn có nguy cơ bị nhiễm sán dây Diphyllobothrium". Trong vòng 24 tiếng đã có hơn 13.000 lượt truy cập. 

Viện Pasteur ở Lille nhận xét nguy cơ ăn cá sống có thể bị nhiễm ký sinh trùng như sán dây Diphyllobothrium, khổ nỗi phim chụp X-quang trong bản tin "ăn sashimi bị nhiễm sán" chẳng liên quan gì đến loại sán dây này vì đó là phim X-quang đã đăng trên tập san y học uy tín British Medical Journal của Anh về một bệnh nhân bị nhiễm sán gạo sau khi ăn thịt heo chưa nấu chín.

Ba nhà báo của trang tin BuzzFeed truy lùng mới biết tin giả "ăn sashimi bị nhiễm sán dây" có xuất xứ từ trang web Central European News (CEN) ở Anh. Trong 41 tin do CEN cung cấp có 11 tin tự chế hoặc ảnh một đàng, nội dung một nẻo, 8 tin sử dụng nhân chứng không có thật hay nhân chứng nặc danh, 13 tin không thể xác minh và chỉ có 9 tin ít nhiều có chi tiết đúng.

Nhà báo và tin giả: Cá sống, văcxin và thịt người - Ảnh 3.

Bà Rosa Camfield ôm chắt gái 2 tuần tuổi chứ không phải con mới sinh - Ảnh: elitereaders.com

101 tuổi vẫn sinh con

Năm 2014, nhiều trang web đăng tin người đàn ông già nhất thế giới là một cụ ông 179 tuổi ở Ấn Độ. Cụ ông tên Mahashta Mûrasi sinh ngày 6-1-1835 tại Bangalore. Đây rõ ràng là tin tưởng tượng, đăng đầu tiên trên trang worldnewsdailyreport.com chuyên về tin giả giật gân. Sau đó, các trang khác đăng lại để kích thích bạn đọc tò mò bấm trang tăng view.

Năm 2015, trang web trên đã đăng tin một cụ bà 101 tuổi ở Ý sinh em bé sau ca ghép buồng trứng thành công. Cụ bà tên Anatolie Vertadella cư trú tại Napoli mắc bệnh ung thư buồng trứng. Do luật châu Âu không cho phép nên bà sang bệnh viện tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ để ghép buồng trứng. Ca phẫu thuật hi hữu được nhiều chuyên gia y học hỗ trợ.

Sau ca ghép, cụ bà muốn có con. Do chồng bà đã qua đời 17 năm trước nên bà được thụ thai nhân tạo với người hiến vô danh trên mạng. Sau khi sinh con, bà rơi nước mắt phát biểu: "Tôi rất biết ơn êkip bác sĩ... Tôi thực sự biết ơn vì đã sinh đứa con thứ 17. Đây là phước lành và là chứng nhân cho sức mạnh của đấng sáng tạo". 

Toàn bộ câu chuyện cảm động này chỉ là tin vịt. Nội dung bịa đặt, chỉ có hình ảnh là thật. Ở Mỹ quả đúng có một cụ bà tên Rosa Camfield 101 tuổi. Bức ảnh đăng cụ bà nằm trên giường ôm chắt gái 2 tuần tuổi đã được "biến tấu" thành cụ bà sinh con ở tuổi... thượng thọ.

Nhà hàng bán thịt người

Đầu tháng 1-2017, một nhân viên nhà hàng Trung Quốc ở Padova (Ý) đăng ảnh trên Facebook cho biết món chân gấu trong nhà bếp trông giống chân người. Mạng xã hội sôi sục chia sẻ thông tin. Cuối cùng cảnh sát Ý kết luận nhà hàng Trung Quốc nọ chỉ vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã chứ không bán thịt người.

Cuối năm 2017, trên mạng xã hội lan truyền bài viết về nhà hàng "The Resoto ototo no shoku ryohin" vừa khai trương ở Tokyo (Nhật) chuyên phục vụ các món chế biến từ thịt người với giá từ 100-1.000 euro. 

Nhiều người đã ký hợp đồng bán thi thể cho nhà hàng sau khi qua đời với giá 30.000 euro. Hợp đồng quy định người bán thi thể phải còn trẻ và ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt. Đây là tin giả phát tán đầu tiên vào tháng 7-2016 trên báo La Voz Popular bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó chu du khắp thế giới.

Tin giả về văcxin cũng đầy trên mạng xã hội. Tháng 2-2018, nhiều trang web hoài nghi văcxin chống cúm không hiệu quả, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe. Các bài viết căn cứ báo cáo đăng trên blog của bác sĩ Mỹ David Brownstein là người chủ trương phương pháp điều trị thay thế (dược thảo, khoáng chất, ăn kiêng...).

Nguồn cơn xuất phát từ công trình nghiên cứu của Tổ chức phi lợi nhuận Cochrane công bố vào tháng 2-2018 với kết luận: Văcxin chống cúm chỉ có tác dụng hạn chế do các chủng virút luôn thay đổi. Bác sĩ David Brownstein đã lấy dữ liệu đó rồi quy kết văcxin chống cúm vô tác dụng đối với 70/71 bệnh nhân, tức tiêm chủng thất bại 99%.

kỳ-1-ảnh-3-tingia-6(read-only)

Nghệ sĩ Elena Lenina (thứ hai từ trái) và con mèo lông hồng - Ảnh: CEN

Trùm tin giả

Trang Central European News (CEN) bán tin giả khắp thế giới. CEN đã từng phát tán các tin vịt như một con gấu tấn công ngư dân Nga đã bỏ đi khi nghe điện thoại di động của nạn nhân reo báo thức bằng ca khúc Baby của ca sĩ Justin Bieber, con mèo của nữ diễn viên Nga Elena Lenina liếm bộ lông tô màu hồng và "ngỏm" vì ngộ độc.

Năm 2015, CEN đã "mông má" bản tin từ các trang web Trung Quốc về một bà vợ Trung Quốc "thiến" ông chồng ngoại tình và sau khi các bác sĩ nối lại của quý, bà vào bệnh viện "thiến" lần thứ hai rồi quăng qua cửa sổ. Trang tin BuzzFeed khẳng định đây là tin giả. Hãng tin AFP và các báo nghiêm túc ở Pháp tưởng thật đã đăng lại.

__________

Kỳ tới: Tin giả gây hậu quả thật

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,190,811       822