TTO - Giải bóng đá lớn nhất hành tinh đã khai mạc tại Nga. Chuyện bóng đá đã rôm rả trong mỗi cơ quan, nơi góc phố và dưới mái nhà của nhiều người trước đó nhiều ngày.
Nhưng World Cup có là mối lo? - Chúng tôi đem câu hỏi đó chia sẻ với nhiều người đã có gia đình, con cái và nhận về các câu trả lời trái chiều.
Những xào xáo, lo lắng
Anh T. (Đà Nẵng) nhớ lại 4 năm trước (cũng vào mùa World Cup như hôm nay), khi đó anh mới cưới vợ được một tháng, nhưng vì quá mê xem bóng đá nên không "ngó ngàng" tới vợ nhiều. "Cô ấy rất buồn. Cho tới khi cô ấy khóc, bỏ về nhà mẹ, tôi mới giật mình vì sự... không cân đối của mình", anh T. kể.
Nói rồi, anh bộc bạch kinh nghiệm: "Đối với đàn ông, nhiều người yêu thích môn thể thao vua này và World Cup mấy năm mới có một lần. Tuy nhiên, nếu quá mê mà quên công việc, không chú ý tới vợ con và gia đình thì đương nhiên không đúng".
Lần đó đã giải quyết sao? Anh T. trả lời: "Phải năn nỉ thôi, vợ có yêu chồng nên mới dỗi, chồng thấy lỗi, xin tha thứ, vợ yêu chồng sẽ bỏ qua. Vợ chồng nào cũng có lúc vậy và buồn nhau vì bóng đá thì... không quá đáng lo".
Chị M. (một người vợ có chồng mê bóng đá và cả... thích cá độ) nói: "Mỗi mùa bóng lớn về, tôi rất sợ chồng mình "ngựa quen đường cũ". Khi máu me cờ bạc có trong người thì những giải đấu lớn, trận cầu hấp dẫn luôn kích thích họ".
Theo chị M., việc cá độ vui trong cơ quan với nhau để cùng thưởng thức bóng đá, để việc cổ vũ cho hăng say không thành vấn đề, lại còn tạo gắn kết nữa; nhưng cá độ kiểu cay cú, ăn thua lớn lại là mối họa của mỗi gia đình.
Cùng suy nghĩ trên, chị L. (Hà Nội) kể em trai mình thích cá độ bóng đá nên cứ mỗi mùa World Cup, bố mẹ chị rất lo lắng. Từng thua cá độ trong mùa bóng trước, em chị L. cầm xe, vay nóng... khiến gia đình xào xáo, suýt ly tan do người vợ kiên quyết chia tay.
May mà sau đó, hai bên gia đình "làm việc" với cậu em, cậu ấy hứa ngọt lắm mới qua. "Chỉ mong nó hiểu để cải đổi bản thân, không lặp lại cái sai cũ, tội vợ con mà bố mẹ cũng đau lòng", chị L. nói.
Xem bóng cùng nhau, tại sao không!
Đây là đề nghị của anh Ngô Đình Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rồi cho hay: "Cả tôi và vợ cùng hai cậu con trai đều thích xem đá bóng, mê thể thao". Anh Tĩnh chia sẻ thêm: Xem bóng với sự tập trung, phấn khích, sự cổ vũ nhiệt tình giúp người xem khỏe hơn, sảng khoái hơn, nếu cả nhà xem chung sẽ kết nối các thành viên lại với nhau.
Chị Hương Lan (Hà Nội) cũng bày tỏ: "Thời đại này, hiếm khi gia đình đông đủ bên nhau, nên nếu có sự kiện thu hút các thành viên ngồi cùng nhau quả là thú vị, cần tận dụng". Chính vì thế, chị Lan kể bố mẹ chồng đã kêu gọi cả nhà xem bóng đá chung, phân công công việc rõ ràng, thời gian cụ thể để ai cũng có thể sống cùng trái bóng lăn.
Nói về việc chia sẻ sở thích bóng đá với người thân thương của mình, vợ chồng trong mùa bóng làm sao để giữ êm ấm gia đình, người vợ nên ứng xử sao khi chồng quá mê đá bóng... TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, dí dỏm: "Một cách tôi hay khuyên phụ nữ đó là: thích cái chồng thích rồi chồng sẽ thích cái mình muốn".
Giải thích về câu trên, TS Phạm Thị Thúy cho rằng: "Yêu chồng thì ủng hộ sở thích lành mạnh - mê bóng đá của chồng: hoặc thức cùng xem, lo đồ ăn thức uống cùng chồng cho tình cảm. Không thích xem cùng thì nên vui vẻ đi ngủ trước, đừng cằn nhằn về sở thích này. Nếu chồng đi xem cùng bạn bè nên tìm hiểu và ủng hộ. Đừng khắt khe quá... ".
Bàn về việc mê cá độ bóng đá của một bộ phận quý ông (thậm chí quý bà), TS Thúy khẳng định: "Chồng cá độ là chuyện mê cờ bạc - không thể đổ cho mê bóng đá, theo đó không phải tại bóng đá".
Làm sao với những người bạn đời như vậy? "Chồng mê cờ bạc thì cần kiên quyết, anh ta không bỏ, người vợ nên thoát sớm khỏi anh ta nếu không muốn khổ dài dài về sau", TS Phạm Thị Thúy bày tỏ.