TTO - "Cho dù pháp lý của căn nhà của người dân đang ở là gì đi nữa thì khi di dời cũng phải bố trí cho người dân chỗ ở, không thể đẩy dân ra đường. Đây là chủ trương của TP" - phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với Tuổi Trẻ về gần 22.000 căn nhà trên và ven kênh rạch sẽ phải giải tỏa di dời và chủ trương sẽ bố trí chỗ ở cho tất cả người dân:
- Hiện TP có 21.857 hộ đang sống trên và ven kênh rạch. Khi giải tỏa thì thu hồi đất gần như là con số 0 vì toàn bộ nhà đều nằm trên và ven kênh rạch, chủ yếu là lấy không gian hoặc làm đường sá chứ không thể bố trí lại làm nhà ở. Cho nên nguồn vốn bỏ ra để thực hiện việc này rất lớn.
TP.HCM cố gắng sử dụng các quỹ đất khác để đấu giá lấy kinh phí, hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nếu phù hợp, cố gắng đến năm 2020 giải quyết cơ bản được khoảng 50%.
* Việc này sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?
- Chủ trương là tất cả sẽ được bố trí chỗ ở, không để bà con phải lo lắng. Tùy pháp lý từng trường hợp mà bà con có thể được bố trí tạm cư, mua trả góp, thuê, thuê mua...
Việc này phải có sự nỗ lực chung, chính quyền chia sẻ với người dân, nhưng người dân cũng phải hiểu về tính pháp lý chứ không thể ai lấn chiếm cũng bố trí thì TP lo không nổi.
* Nhưng hiện trạng lấn chiếm bây giờ cũng có một phần nguyên nhân từ công tác quản lý nhiều năm trước cho tới nay?
- Đúng là công tác quản lý nhà nước phải chặt chẽ hơn. Không thể để tình trạng lấn chiếm rồi phải giải quyết hậu quả, "bỏ thì thương vương thì tội".
Nếu xử nghiêm theo pháp luật, ai lấn chiếm sẽ xử lý và không giải quyết thì đơn giản nhưng như vậy thì rất tội dân, nên TP mới phải "ôm" vào.
Cho nên phải giải quyết cho dứt dạt câu chuyện lịch sử. Từ giờ ai sai thì phải chịu trách nhiệm, lấn chiếm thì phải xử lý, trả lại đất, như vậy mới dứt điểm được.
Theo ông Phan Trường Sơn - trưởng phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM, chủ trương mới đối với các hộ dân bị giải tỏa trên và ven kênh rạch TP.HCM là những người không đủ tiền để mua nhà ở thương mại hoặc không đủ điều kiện bồi thường và không còn nơi ở nào khác thì Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nhà ở xã hội.
10.000 căn nhà ở xã hội sẽ được dành để tái định cư các đối tượng này, theo hình thức ưu tiên thuê, thuê mua hoặc mua các căn hộ này. Một nguồn nhà ở khác để đáp ứng là những căn hộ tái định cư đã xây dựng cho nhiều dự án trước đây nhưng chưa sử dụng hết.