TTO - Tây Ban Nha cho biết nước này đồng ý với lời đề nghị của chính phủ Pháp trong việc tiếp nhận một số trong số 629 người di cư được cứu hộ trên biển Libya và bị Ý từ chối trên con tàu Aquarius. Đài BBC đưa tin ngày 16-6.
Người di cư trên tàu Aquarius đã lênh đênh trong vùng biển động hơn 1 tuần qua, rất nhiều người bị say sóng và yếu sức trong khi chờ quyết định về số phận của mình - Ảnh: EPA
Tuần trước, tàu Aquarius đã vớt được nhiều người di cư lênh đênh ngoài khơi Lybia và xin cập cảng nước Ý theo thỏa thuận của Châu Âu nhưng bị Ý, đặc biệt là Bộ trưởng nội vụ nước này, ngoảnh mặt.
Tàu Aquarius sau đó được Ý hộ tống đến Tây Ban Nha sau khi Madrid đồng ý tiếp nhận số người này.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo cho biết chính quyền Pháp sẽ làm việc với Tây Ban Nha để đón một số người di cư đến Pháp theo nguyện vọng của họ - những ai mong muốn sống ở Pháp sẽ được đưa đến Pháp.
Ngày hôm nay 17-6, ba chiếc tàu chở 629 người tị nạn được cứu hộ sẽ cập cảng Valencia.
Số phận của con tàu cứu hộ và những người trên boong đã gây chia rẽ ngoại giao giữa Ý và Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng phê phán Ý là "vô trách nhiệm" khi ngoảnh mặt với những người di cư.
Về phía Ý, Thủ tướng mới Giuseppe Conte cho rằng thật bất công đối với những nước Châu Âu nằm ở vị trí cửa ngõ của Liên minh Châu Âu (EU) khi họ phải gánh phần lớn trách nhiệm tiếp nhận làn sóng người di cư trong khi các nước Châu Âu khác lại nhẹ gánh.
Hôm thứ sáu, 15-6, sau những lời căng thẳng trao qua đổi lại, cả hai vị lãnh đạo đã thống nhất với nhau rằng hệ thống hiện tại cần được cải tổ.
Dòng người tị nạn không ngừng đến Châu Âu. Không tính đến con số những người di cư trên con tàu Aquarius, lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha cho biết họ đã vớt được 933 di cư và 4 xác chết trên biển Địa trung hải trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy, tường thuật của hãng Reuters.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ủng hộ lập trường thân thiện với người di cư.
Cải tổ về vấn đề người di cư nhiều khả năng sẽ là chủ đề chính tại cuộc họp của lãnh đạo EU vào cuối tháng này do nhiều nước phải vật lộn với tình trạng căng thẳng về chính trị do quá tải với dòng người di cư trong những năm gần đây.
Liên minh dân túy của Ý - và đặc biệt là Bộ trưởng nội vụ, lãnh đạo đảng cánh hữu ông Matteo Salvini - đã chọn một lập trường cứng rắn về vấn đề người nhập cư.
Sau sự việc con tàu Aquarius, ông thề sẽ tiếp tục đóng cửa nước Ý với người di cư. Một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan là Mission Lifeline đã chỉ trích ông là phát xít.