Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho hay, chủ nghĩa bạo lực cực đoan là thách thức lớn nhất đối với châu Phi hiện nay.
Bạo lực cực đoan đã cướp mạng sống của khoảng 33.300 người trong giai đoạn 2011-2016 và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra thảm họa nhân đạo trên lục địa này.
Tại Cộng hòa Trung Phi, theo thống kê của LHQ, các cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi từ 2013 đến nay đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hơn 1 triệu người buộc phải di tản và 2,4 triệu người - tương đương hơn một nửa dân số Trung Phi - phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp.
Nhận định về tình hình châu Phi hiện nay, Đại diện thường trú UNDP và Điều phối viên nhân đạo của LHQ ông Eziakonwa Onichie cho rằng các vụ tấn công do các phần tử cực đoan thực hiện là vấn đề gây quan ngại nhất đối với châu Phi và đe dọa quá trình phát triển tại nhiều nước của châu lục.
Để đối phó với bạo lực, đói nghèo và bệnh tật… cộng đồng quốc tế đã có nhiều giải pháp để giải quyết. Trong đó LHQ cũng đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến một số nước để giúp ngăn chặn các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái, các vụ tấn công khủng bố. Tổ chức nhiều chương trình viện trợ cho người tỵ nạn, hỗ trợ các dịch vụ y tế…
Bên cạnh đó, các nước châu Phi cũng nỗ lực chống chọi với những thách thức này.
Chính phủ Trung Phi đang xúc tiến các biện pháp nhằm làm giảm thiệt hại do các nhóm phiến quân gây ra cũng như những mối đe dọa tiềm ẩn từ lực lượng này bằng cách "thúc đẩy thực hiện các chương trình giải giáp, tái hòa nhập và hồi hương" các tay súng. Đồng thời hối thúc các bên tiến hành đối thoại, coi đây là cách tiếp cận phù hợp nhất để tìm giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài suốt 5 năm qua ở nước này.
Tuy nhiên, do nhiều vấn đề tác động sâu sắc từ trong nước lẫn bên ngoài nên để ngăn chặn nguy cơ bao lực nói riêng cũng như đói nghèo và bệnh tật nói chung lan rộng là một thách thức vô cùng phức tạp cho các quốc gia châu Phi cũng như cộng đồng quốc tế.