TTO - Từ kết quả truy cập dữ liệu thiết bị giám sát hành trình GPS (hộp đen) gắn trên xe kinh doanh vận tải, các cơ quan chức năng đã xử phạt xe vi phạm.
Nhiều chủ xe bị phạt không tâm phục khẩu phục vì cho rằng thiết bị giám sát hành trình không chính xác - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thế nhưng nhiều chủ xe và doanh nghiệp bị phạt đã bày tỏ thái độ "không tâm phục khẩu phục". Vì sao?
Việc xử lý các hành vi vi phạm qua “hộp đen” chỉ phục vụ công tác hậu kiểm tra hoặc khi có tai nạn xảy ra..., chứ chưa phục vụ việc cảnh báo nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông
Trích báo cáo của Sở GTVT TP.HCM gửi Tổng cục Đường bộ VN
Kéo dài thời gian, không đối chiếu được
Theo ông Nguyễn Văn Hới - phó giám đốc một doanh nghiệp chuyên chở vật liệu xây dựng: hiện dữ liệu chứa trong "hộp đen" gắn trên xe chỉ có thể "tồn tại" trong thời gian 90 ngày.
Trong khi đó, có những trường hợp đã vi phạm cả năm mới có biên bản phạt của các đơn vị chức năng.
Như vậy, doanh nghiệp không thể đối chiếu vi phạm, việc xử lý như vậy liệu có chính xác hay không? Đó là chưa kể đến việc nhiều "hộp đen" bị hư hỏng, mất sóng nên không thể kiểm soát.
Tương tự, ông Trần Quang Anh, giám đốc một doanh nghiệp vận tải Bắc - Nam, cho rằng việc xử phạt vi phạm thông qua "hộp đen" vừa kéo dài thời gian mà không hiệu quả.
Thế nhưng trách nhiệm hậu kiểm, xử lý vi phạm thuộc về các sở GTVT địa phương dẫn đến chậm xử lý.
Khi có quyết định xử phạt, các doanh nghiệp không có điều kiện để đối chiếu. Vì thế, ông Anh đề nghị việc xử lý vi phạm không nên kéo dài quá 90 ngày.
Ông Lê Thành Thảo - giám đốc Công ty cổ phần vận tải giao nhận và thương mại QC - cho rằng chất lượng thiết bị GPS không ổn định nên kết quả truyền về Tổng cục Đường bộ không chính xác.
Vì vậy, theo ông Thảo, không thể quy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp và việc phạt "nguội" đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bất cập vì còn rất thủ công
Theo Tổng cục Đường bộ VN, trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn quốc có hơn 463.000 lượt xe vi phạm chạy quá tốc độ.
Riêng trong tháng 3, con số này là 141.690 lượt xe vi phạm. Theo đó, đã có 921 phương tiện bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác thời hạn 1 tháng.
Ngoài ra, có đến 280 xe bị từ chối cấp phù hiệu. Cũng trong tháng 3-2018, cả nước có 144.748 xe/459.438 xe không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN.
Tại TP.HCM, theo Sở GTVT TP, căn cứ thông báo của Tổng cục Đường bộ VN, trong tháng 3-2018, đơn vị này đã từ chối cấp phù hiệu cho 312 xe vi phạm vì không truyền dữ liệu về hệ thống. Riêng xe vi phạm chạy quá tốc độ, sở đã thu hồi phù hiệu 17 phương tiện.
Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP, hiện đơn vị đang gặp khó khăn trong công tác xử lý vi phạm do các bên không thống nhất về cách xử lý, nhất là chứng cứ.
Do đó, sở kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN sớm chia sẻ thông tin cho các doanh nghiệp vận tải để khắc phục tình trạng trên.
Đồng thời đảm bảo đồng bộ dữ liệu khi trích xuất thống nhất giữa trang thông tin quản lý của các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình và hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN. Cách làm này sẽ khắc phục tình trạng kết quả trích xuất dữ liệu trái ngược và mâu thuẫn.
Cũng theo Sở GTVT TP, do việc áp dụng công nghệ thông tin còn bất cập nên có lúc phải dùng phương pháp "dò" thủ công để đối chiếu từng trường hợp vi phạm (hành trình xe chạy, thời gian làm việc của lái xe...).
Trong khi đó, hiện đơn vị này đang quản lý 107.273 xe, nếu dùng biện pháp "dò" thủ công để hậu kiểm số lượng lớn xe như vậy là bất cập, không khả thi.
Vì vậy, sở đề nghị Tổng cục Đường bộ VN cần nâng cao và hoàn thiện các tính năng trong việc sử dụng công nghệ thông tin để công tác xử lý vi phạm được nhanh chóng, đảm bảo độ tin cậy.
Tác dụng của “hộp đen” chưa cao Theo một chuyên gia giao thông, hiện số lượng thiết bị giám sát hành trình quá lớn, dữ liệu cung cấp về Tổng cục Đường bộ VN khổng lồ.
Do đó, không thể bố trí đủ lực lượng tới từng xe xử lý kịp thời. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua cho thấy dữ liệu GPS hiện nay đang là dữ liệu “chết”, không hề có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm giao thông.