Sống khỏe

Nhật Bản định nghĩa lại, 18 tuổi là người trưởng thành

TTO - Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua Luật dân sự sửa đổi, hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 còn 18 tuổi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu.

Nhật Bản định nghĩa lại, 18 tuổi là người trưởng thành - Ảnh 1.

Các thiếu nữ Nhật Bản trong nghi lễ trưởng thành - Ảnh: Kyodo

Đạo luật có hiệu lực từ tháng 4-2022, sẽ giúp Nhật Bản có thêm hàng triệu thanh niên trưởng thành tham gia vào xã hội đang lão hóa nhanh chóng của xứ sở hoa anh đào. 

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản điều chỉnh độ tuổi trưởng thành kể từ năm 1876. Năm 2015, nước này cũng đã hạ độ tuổi bầu cử từ 20 xuống 18 tuổi.

Trưởng thành sớm

Thay đổi lớn nhất của đạo luật là cho phép những thanh niên bước sang tuổi 18 được quyền kết hôn mà không cần sự cho phép của cha mẹ.

 Luật pháp hiện tại cho phép nam giới từ 18 và nữ giới từ 16 tuổi kết hôn nhưng phải có sự đồng ý của phụ huynh. 

Họ cũng có thể làm thẻ tín dụng và vay tiền, tự mình làm hộ chiếu với thời hạn 10 năm thay vì chỉ 5 năm như trước. 

Tuy nhiên, họ sẽ vẫn phải chờ đến khi 20 tuổi để được hút thuốc, uống rượu bia và đánh bạc.

Việc giảm độ tuổi trưởng thành cũng kéo theo hàng loạt thay đổi khác và đạo luật mới cũng phải điều chỉnh hơn 22 quy định liên quan đến các vấn đề như quốc tịch, bằng cấp... 

Dù vậy, các nhà làm luật vẫn đang tranh luận việc các tội phạm 18 và 19 tuổi nên được xét xử như người trưởng thành hay vị thành niên theo đạo luật mới. 

Bên cạnh đó, nó cũng sẽ tác động lớn lên các tập quán truyền thống như nghi lễ trưởng thành của người Nhật bởi sẽ phải dời vào năm cuối cấp III, thời điểm học sinh đang bước vào kỳ thi cử. 

"Kỳ thi đại học sẽ đụng với lễ trưởng thành, như vậy rất bận rộn" - tờ Asahi Shimbun dẫn lời một sinh viên.

Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng 18 tuổi chưa đủ khả năng định đoạt cuộc đời mình. Khảo sát mới đây của tờ The Yomiuri Shimbun cho thấy hơn 50% số người được hỏi không ủng hộ việc hạ độ tuổi trưởng thành. 

"Học sinh trung học không hiểu biết gì về xã hội khi trở thành người trưởng thành và có thể gặp phải nhiều điều nguy hiểm" - sinh viên Sakai Mi tỏ ra lo lắng.

Lo lắng

"Tôi không nghĩ sẽ kiếm được tiền vì tôi chẳng có kỹ năng gì. Tất cả những gì tôi có là kiến thức từ sách giáo khoa mà tôi nhồi vào đầu trong kỳ thi đại học. Tôi nghĩ mình sẽ sẵn sàng trưởng thành khi 25 tuổi" - Masato Suzuki, 18 tuổi, nói.

Một số khác sợ việc hạ độ tuổi trưởng thành xuống 18 sẽ là lý do để bị tống ra khỏi nhà sớm. Giáo sư Tamaki Saito của Đại học Tsukuba cho rằng các học sinh vừa tốt nghiệp trung học chưa sẵn sàng để sống độc lập. 

"Khó để kỳ vọng một người 18 tuổi có nhận thức trách nhiệm như người trưởng thành. Ngay cả khi bắt đầu sống xa nhà, họ cuối cùng vẫn thường phụ thuộc vào trợ cấp hằng tháng từ gia đình" - ông Saito nhận định.

Một trong những lo ngại lớn nhất là giáo dục, khi đạo luật mới sẽ cho phép sinh viên bỏ học mà không cần sự đồng ý của cha mẹ và làm tăng tỉ lệ học sinh không tốt nghiệp trung học. 

Trong khi đó, các chính trị gia phản đối đạo luật thiếu các biện pháp hiệu quả bảo vệ những người trẻ khỏi nguy cơ lừa đảo khi trao cho họ quyền định đoạt về tài chính. Nhiều người cho rằng họ sẽ trở thành con mồi cho các doanh nghiệp.

Quy định mới chỉ đưa ra một số điều chỉnh luật tiêu dùng, trong đó bao gồm cho phép hủy hợp đồng nếu người tiêu dùng bị ép hoặc lôi kéo tham gia giao dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn đến bốn năm trước khi đạo luật có hiệu lực và các bộ Giáo dục, Tư pháp... của Nhật Bản cho biết sẽ đưa ra các biện pháp giáo dục để chuẩn bị cho các thiếu niên đón nhận trách nhiệm của một người trưởng thành. 

"Để họ hiểu được các trách nhiệm và khả năng độc lập, không chỉ gia đình mà cả xã hội phải hỗ trợ những người trẻ" - tờ Yomiuri Shimbun nhận định.

Hi vọng giải quyết vấn đề dân số

Việc hạ độ tuổi trưởng thành sẽ giúp Nhật Bản có thêm hàng triệu người đóng thuế và hi vọng giúp cải thiện tỉ lệ sinh ngày càng thấp tại nước này.

Năm ngoái, dân số Nhật Bản tiếp tục giảm năm thứ bảy liên tiếp, trong khi số người trên 65 tuổi chiếm đến 28%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, một đất nước được coi là đang lão hóa nếu có hơn 7% dân số trên 65 tuổi, trở thành xã hội lão hóa nếu có hơn 14% và là xã hội siêu già nếu nhóm dân số này vượt qua 21%.

Nhật Bản sửa Luật dân sự, hạ độ tuổi người trưởng thành Nhật Bản sửa Luật dân sự, hạ độ tuổi người trưởng thành

Ngày 13/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật để sửa đổi Bộ luật Dân sự, theo đó hạ độ tuổi người trưởng thành từ 20 tuổi xuống 18 tuổi.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,198,249       384