Sống khỏe

Nhật Bản sửa Luật dân sự, hạ độ tuổi người trưởng thành

Ngày 13/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật để sửa đổi Bộ luật Dân sự, theo đó hạ độ tuổi người trưởng thành từ 20 tuổi xuống 18 tuổi.

Nhật Bản sửa Luật dân sự, hạ độ tuổi người trưởng thành - Ảnh 1.

Theo Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2022, những người từ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Luật hiện hành quy định người dưới 20 tuổi chỉ được kết hôn khi cha mẹ đồng ý, với độ tuổi tối thiểu là 18 đối với nam và 16 đối với nữ.

Luật dân sự sửa đổi yêu cầu tuổi kết hôn của nữ giới là 18 tuổi, thay cho điều khoản 16 tuổi được kết hôn với sự đồng ý của cha mẹ như quy định trong luật hiện hành. Tuy nhiên, những người dưới 20 tuổi vẫn sẽ bị cấm uống bia rượu, hút thuốc lá và chơi cờ bạc.

Bên cạnh việc hạ độ tuổi người trưởng thành, các nghị sỹ Nhật Bản cũng nhất trí thông qua việc sửa đổi 22 quy định liên quan, trong đó có các quy định về quốc tịch và hộ chiếu. Ngoài ra, điều khoản cho phép hủy các hợp đồng ký kết với trẻ vị thành niên mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ không còn được áp dụng đối với người dưới 20 tuổi.

Trước đó, ngày 8/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật sửa đổi về hợp đồng tiêu dùng nhằm bảo vệ người tiêu dùng trẻ tuổi trước nguy cơ bị lừa đảo. Các sửa đổi này nhằm đề cao và khuyến khích giới trẻ Nhật Bản sớm lập gia đình, tham gia tích cực vào đời sống xã hội để góp phần khắc phục tình trạng già hóa dân số.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, số lượng suy giảm dân số tự nhiên của nước này trong năm 2017 đạt mức cao kỷ lục 394.373 người, với số trẻ sơ sinh giảm 30.918 em so với năm trước đó, trong khi số người tử vong do tuổi già lên mức cao kỷ lục sau thời chiến là hơn 1,3 triệu người. Mức giảm dân số tự nhiên của một quốc gia được tính bằng số các trường hợp chết do tuổi già trừ đi số trẻ em mới sinh.

Số trẻ ra đời trong năm 2017 của Nhật Bản xuống mức thấp kỷ lục 946.060 em, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp quốc gia này có ít hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra và một lần nữa nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng dân số của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản - số trẻ em trung bình mỗi phụ nữ Nhật sẽ sinh nở trong đời, cũng giảm xuống mốc 1,43, thấp hơn hẳn so với mốc 2,07 được xác định là cần thiết để Nhật Bản duy trì dân số hiện nay.

Thực trạng này phần nào cho thấy các biện pháp của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng tỷ lệ sinh vẫn chưa đạt kết quả mong đợi và Tokyo cần những nỗ lực cấp thiết hơn nữa nếu muốn đạt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 1,8 vào cuối năm tài khóa 2025 và duy trì dân số quốc gia trong khoảng 100 triệu người vào năm 2060.

Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản dao động quanh mốc 1,4 từ năm 2012 sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2005./.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,859       493